Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ ba, 27/09/2022, 13:00

Giữ nghề làm tò he

Bằng chiếc lược nhỏ xíu, anh Nguyễn Văn Tùng (40 tuổi, TP.Hà Nội) mất từ 2 - 3 phút để biến nguyên liệu bột thành những sản phẩm tò he sống động. Tò he hiện có giá 20.000 đồng/sản phẩm.

Ở một góc nhỏ tại Lễ hội Ẩm thực đường phố - Làng nghề truyền thống gắn với Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Long An năm 2022, anh Tùng say sưa làm các sản phẩm tò he. Đây là nghề truyền thống của gia đình, anh là thế hệ thứ 4 nối nghiệp và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề.

Anh Tùng chỉ mất từ 2-3 phút để biến nguyên liệu bột thành những sản phẩm tò he sống động.

Theo anh Tùng, sản phẩm tò he được làm chủ yếu từ bột nếp pha thêm một ít bột sắn theo tỷ lệ riêng, khi nhào bột cảm thấy vừa tay thì bắt đầu đem luộc, đợi đến khi bột nổi lên thì vớt ra. Sau đó, để bột nguội và bắt đầu nhuộm màu. Hiện nay, đa số người làm sử dụng màu công nghiệp.

Bằng chiếc lược nhỏ xíu, anh thoăn thoắt tạo hình cho tò he. Anh mất từ 2 - 3 phút để hoàn chỉnh 1 sản phẩm. Tò he sau khi làm xong phải xử lý một lần nữa để có thể giữ được lâu hơn, tùy vào độ khô của sản phẩm, người làm sẽ nhúng hò te vào nước sôi từ 5 - 30 giây.

Cũng theo anh Tùng, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài một chút khéo tay còn đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và chịu khó bởi kích thước tò he tương đối nhỏ. Đối với người mới học nghề thì nên bắt đầu từ làm hoa, sau khi đã có kinh nghiệm thì nặn hình con vật, các nhân vật hoạt hình hoặc bất kỳ nhân vật nào khi được yêu cầu. Các sản phẩm tò he của anh Tùng có giá 20.000 đồng/sản phẩm, nếu bảo quản tốt thì thời gian sử dụng lên đến 1 năm.

“Hiện nay, làng nghề làm tò he đã dần mai một. Tôi sinh sống và làm việc chủ yếu tại TP.HCM, địa điểm kinh doanh quen thuộc là ở các lễ hội, công viên, khu vui chơi, trường học,...Ngoài ra, khi biết các tỉnh, thành khác có sự kiện lớn, thu hút đông đảo người dân thì tôi cũng đến bán”, anh Tùng chia sẻ.

Không chỉ thu hút trẻ em, các sản phẩm tò he còn làm “say lòng” cả người lớn. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Rất lâu rồi tôi mới nhìn thấy những sản phẩm tò he. Tạo hình tò he vẫn sống động, thu hút, đặc biệt mẫu mã có phần đa dạng hơn ngày trước”.

Bằng bàn tay khéo léo, chỉ trong vài phút, những người làm tò he đã biến những nguyên liệu vô tri thành sản phẩm vô cùng sống động và đáng yêu. Mặc dù công việc buôn bán có phần khó khăn, ngày ngày phải rong ruổi nhiều nơi nhưng anh Tùng vẫn quyết bám trụ với nghề bởi lòng đam mê, tình yêu anh dành cho tò he.

(Nguồn: baolongan.vn)

Link gốc: https://baolongan.vn/giu-nghe-lam-to-he-a142147.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829