Thứ sáu, 26/11/2021, 07:30
Giáo sư Trần Ngọc Thêm vì sao muốn xóa bỏ ‘tiên học lễ’?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm đề nghị xóa bỏ khẩu hiệu ‘tiên học lễ, hậu học văn’ khiến dư luận dậy sóng. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã có nhầm lẫn gì?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm năm nay 70 tuổi. Nhiều năm gắn bó với Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, giáo sư Trần Ngọc Thêm có học vị Tiến sĩ và có những cuốn sách tiêu biểu là “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”...
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng có một thời gian làm ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tên tuổi giáo sư Trần Ngọc Thêm khá được đồng nghiệp và học trò nể trọng.
Tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, giáo sưTrần Ngọc Thêm trình bày tham luận có tên gọi “Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Trong đó, giáo sư Trần Ngọc Thêm mạnh dạn kiến nghị: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
Câu răn dạy “tiên học lễ, hậu học văn” đã được cha ông truyền lại, có tội tình gì mà giáo sư Trần Ngọc Thêm muốn xóa bỏ? Giáo sư Trần Ngọc Thêm lý giải khá tỉ mỉ, rằng: Sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “tiên học lễ hậu học văn”, đề cao sự phục tùng. Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, chừng nào còn đề cao chữ “lễ” để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển. Phẩm chất thường được đánh giá cao trong văn hóa Việt Nam không phải là tính tiên phong hay sự tự tin mà là sự khiêm tốn và khiêm tốn theo cách hiểu không phải là đánh giá đúng mình mà là nhún nhường, hạ thấp mình.
Chữ “lễ” cản trợ tiến bộ, giáo sư Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh, vì xã hội truyền thống của Việt Nam là “xã hội âm tính”, ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm ỷ lại.
Bản chất “âm tính” của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ. Người Việt ngày nay đã bớt thụ động hơn xưa, song nhìn trong tổng thể thì cho đến nay, tính thụ động vẫn còn là một đặc trưng chủ đạo của người Việt. Thêm vào đó, tính cộng đồng cùng áp lực của số đông, sự “dìm hàng”, “ném đá” của cộng đồng giáng xuống đầu những người đi tiên phong như một sự cảnh cáo đã giết chết mọi sự tích cực. Ở Việt Nam, phẩm chất thường được đánh giá cao không phải là “sự tự tin”, và càng không phải là “tính tiên phong”, mà là “sự khiêm tốn”.
Nếu không đề cao "tiên học lễ" thì giá trị "hậu học văn" còn lại gì?
Ý tưởng táo bạo về việc đưa khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” ra khỏi môi trường giáo dục của giáo sư Trần Ngọc Thêm, ngay lập tức đón nhận sự phản ứng gay gắt của nhiều giới, nhiều ngành. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã sai ở điểm nào chăng?
Tiến sĩ Lý Quí Trung cho rằng, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã nhầm lẫn về chữ “lễ”. Chữ “lễ” trong “tiên học lễ, hậu học văn” cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn, sâu sắc hơn.
Tiến sĩ Lý Quí Trung đang là Giáo sư của Đại học Western Sydney- Úc, phân tích: Bất kỳ câu tục ngữ nào dù có hay và đúng cách mấy đi nữa cũng có một số mặt không đúng hoặc hạn chế nếu nhìn ở một góc độ nào đó, và mức độ phản biện dành cho nó có dao động theo sự phát triển cập nhật của xã hội. Câu “tiên học lễ, hậu học văn” cũng không là một ngoại lệ. Nhưng ý nghĩa lớn nhất của nó thì dường như vẫn giữ nguyên giá trị, đó là làm gì thì làm, học gì thì học, giỏi giang bao nhiêu đi nữa cũng phải có đạo đức, nhân cách, biết đối nhân xử thế thì mới thành công đúng nghĩa. Nói khác đi, học lễ và học văn, hay tu dưỡng nhân cách và kiến thức là công việc xảy ra song song cả đời.
Tiến sĩ Lý Quí Trung.
Quan điểm kết nối yếu tố “khiêm tốn”, “lễ phép”, “nhún nhường” với yếu tố “thiếu tự tin”, “thiếu sáng tạo”, “không dám làm nên sự khác biệt” xem ra chưa được ổn lắm. Người Nhật nổi tiếng là ăn nói, cư xử vô cùng lễ phép, lúc nào cũng biết trên biết dưới, chào hỏi nhau là cuối đầu hay cuối người rạp xuống nhưng đâu có ngăn họ tự tin, nói ra chính kiến của mình. Bao nhiêu phát minh hay ho trên thế giới cũng là của người Nhật.
Còn nói về tính nhường nhịn, thì người Nhật cũng là số một, bởi vậy trên thế giới chỉ có người Nhật mới cho rằng đứa con sinh đôi nào được đẻ ra trước là làm em - chứ không phải làm anh. Đơn giản vì đứa con sinh đôi đẻ ra sau đã nhường cho em mình ra trước! Do đó, sự nhường nhịn đối với người Nhật là cao chứ không phải là thấp, là tự tin chứ không phải là e dè, yếm thế. Và như ai cũng biết, nền kinh tế nước Nhật thuộc loại hàng đầu của thế giới.
Cho nên, ý nghĩa của từ “lễ” trong câu tục ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” có thể nhìn từ nhiều góc độ khác nhau và nó cũng cần được bổ sung, định nghĩa lại cho bắt kịp với thời đại - nếu ý nghĩa cổ điển, truyền thống của nó có thể thiếu sót.
Và một trong những ý nghĩa cập nhật thú vị của chữ “lễ” ở đây có thể là cách ứng xử với những người xung quanh, với đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, cấp trên, cấp dưới và với cộng đồng, xã hội nói chung. Đó chính là kỹ năng mềm (“soft skill”) góp phần làm nên sự thành công của một con người.
Cho nên câu tục ngữ trên suy cho cùng vẫn còn nguyên giá trị và rất thời thượng, nhưng có điều nó cần được hiểu một cách cập nhật và rộng rãi hơn so với ý nghĩa quen thuộc, truyền thống. Nếu không sẽ mất đi phần lớn tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng.
(Nguồn: nongnghiep.vn).