Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ ba, 14/02/2023, 09:00

'Giải cứu' đàn cá sông

Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Văn Út (63 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cứ ngóng ra ngoài sông Vàm Nao, chờ một chuyến ghe đặc biệt. Đó là chuyến ghe chở những “vị khách phương xa” đến nương nhờ ông “giải cứu”.

Bầy cá quấn quýt ở khu đất của ông Út.

Khi cá tìm người

Mới vài thập kỷ trước, phương Nam được nhớ đến bởi “Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua”. Thiên nhiên hào phóng ban tặng con người nguồn sinh vật phong phú đến choáng ngợp. Nhưng rồi, sự hào phóng nào cũng có giới hạn, nhất là trước lòng tham vô đáy của con người. Cá sông dần vắng đi, chỉ còn hoài niệm “hồi xưa cá bầy bầy…”.

Thật ra, rất nhiều bầy cá vẫn tồn tại trong tự nhiên. Chúng mất lòng tin vào người, nên chọn nơi vắng vẻ trú ngụ. Rồi chúng may mắn gặp được người hết lòng yêu thương mình. Thế là, chúng lũ lượt kéo nhau về “tổ ấm” mới. Ở nơi này nơi khác trong tỉnh, liên tục xuất hiện chuyện về "đàn cá hoang" quấn quýt nhà lão nông này, nhà người dân nọ. Đó là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ con người và thiên nhiên sống hòa hợp.

Điển hình như đàn cá tra cả chục tấn neo lại kênh Thần Nông, cạnh nhà ông Trần Văn Đặng (54 tuổi, ngụ xã Phú Thành, huyện Phú Tân). Từ mấy chén cơm dư thừa của gia đình ông, bầy cá bám víu vào đó, không chịu rời đi. Vậy là, họ sống cạnh nhau mấy năm trời. Số lượng cá ngày càng đông, tình thương ông Đặng dành cho chúng ngày càng sâu nặng. Ông Đặng tìm được nguồn thức ăn gì, thì chúng ăn nấy. Chúng mập mạp, khỏe mạnh, đổi lấy niềm vui cho ông.

Hay như câu chuyện “duyên nợ” bất ngờ giữa ông Út và bầy cá đủ loại ở sông Vàm Nao. Ý định ban đầu, ông mua đất cả tỷ đồng để làm bãi neo đậu sà lan của gia đình. Trong phạm vi đất có hầm cá của chủ cũ sang nhượng lại. Vốn theo đạo, ăn chay trường nên ông Út quyết định phóng sanh toàn bộ. Ngặt nỗi, chúng không chịu đi, cứ lẩn quẩn gần đó. Không nỡ để bầy cá chết đói, ông bắt đầu cho chúng ăn hàng ngày, cầu mong đủ điều kiện cưu mang “những thành viên” bất đắc dĩ này.

Một lần cưu mang, kéo dài ngót nghét 3 năm trời. Người thương thì cho ông Út rau củ quả, trái cây dạt, đem về làm thức ăn cho cá. Người thông cảm thì giúp ông trông coi bầy cá, phụ việc lặt vặt hàng ngày. Người không liên quan thì chặc lưỡi “chắc ông Út mắc nợ bầy cá”.

Người ghét thì cười chê ông lo chuyện bao đồng, sống giả tạo…Ông cười hề hề cho qua, vẫn cặm cụi chở hàng chục tấn thức ăn mỗi ngày, vẫn bỏ hàng chục triệu đồng làm kè bảo vệ, mua món này, sắm món kia phục vụ quá trình chăm sóc cá. Ông trò chuyện với lũ cá như trò chuyện cùng con cái mình, nắm rõ tình trạng sức khỏe của chúng…

Người chở che cá

Cuộc đời, không bao giờ có chuyện xuôi chiều. “Mấy hôm tôi về nhà ngủ, sáng hôm sau quay lại bờ sông, cho ăn mãi mà bầy cá cứ im lìm. Chúng dáo dác bơi ra đằng xa, không đến quấn quýt tay tôi như mọi lần. Tôi chợt hiểu: Tối qua có người đến xuyệt bắt cá, nên chúng sợ hãi đến giờ. Chúng không biết nói, nhưng lòng biết nghe, biết tham sống sợ chết, cũng giống con người chúng ta vậy thôi!”, ông Út cười chua chát.

Bỗng dưng khu vực xuất hiện hàng tấn cá thiên nhiên, nhiều người hí hửng nhìn thấy “lộc của trời”, xem chúng như nguồn thu nhập “khủng” chẳng mất vốn. Họ tìm cách đánh bắt bằng đủ cách, kể cả vi phạm pháp luật, dùng điện xuyệt cá. Ông Út, ông Đặng bị sức ép rất lớn từ những người này. Kể cả địa phương, đôi lúc cũng lúng túng: Cá tự nhiên không thuộc quyền sở hữu của ai, vậy một cá nhân đứng ra bảo vệ, chăm sóc có được phép hay không? Còn nếu quyết tâm bảo tồn, thì bảo tồn bằng cách nào? Nhân lực, vật lực có hạn, sao bảo vệ bầy cá trọn vẹn?

Ông Út chọn giải pháp gắn camera quanh nhà, treo bảng cảnh báo “khu vực bảo tồn cá, đừng xuyệt bắt”, chia sẻ tâm tình và ý muốn chăm sóc cá để bảo vệ môi trường tự nhiên. Lực lượng chức năng hỗ trợ ông trong quá trình phòng, chống đánh bắt cá trái phép. Nhưng tiếng bấc tiếng chì vẫn đến với ông hàng ngày, thậm chí họ muốn hành hung ông…

Còn ông Đặng, đã một lần buông tay. Mấy tháng trước, chịu không xiết cảnh kẻ tới người lui lén lút đánh bắt cá, ông chở 2 ghe (gần 20 tấn cá) về cho ông Út. Bởi thời điểm này, dưới vòng tay che chở của ông Út, mấy chục tấn cá vẫn đang sống an yên. Thôi thì, ở đâu cũng được, miễn chúng được sinh tồn, ông Đặng nghĩ vậy.

Nhưng bầy cá cứ bám lấy đoạn kênh cũ, không rõ vì lý do gì. Hai tháng nay, chúng tìm về, số lượng tròm trèm như cũ. “Tôi đuổi mà chúng không chịu đi, đành tiếp tục nuôi dưỡng như cũ. Đã từng thất bại, từng thất vọng, từng muốn buông xuôi, thì giờ đây, tôi mong chăm sóc chúng được ngày nào hay ngày đó. Người này có tấm lòng phóng sanh chúng về tự nhiên, tôi có chút lòng dưỡng sanh chúng một đoạn thời gian. Còn người khác đem lòng sát sanh, muốn dùng chúng làm sinh kế cho bản thân, tôi giải thích hoài họ không muốn hiểu thì đành thôi”, ông Đặng tâm sự.

Câu chuyện trên là một hành trình dài, chưa có hồi kết. Đó là cuộc chạy trốn của các loài cá tự nhiên khỏi bàn tay tham lam của con người. Đó cũng là những trăn trở, giằng xé - đôi lúc lực bất tòng tâm của những người muốn chở che cá. Đi ngược lại với số đông, đôi khi họ trở thành kẻ lập dị, dở hơi…

(Nguồn: baoangiang.com.vn)

Link gốc: https://baoangiang.com.vn/giai-cuu-dan-ca-song-a355191.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Cẩn trọng với trào lưu ẩm thực của giới trẻ

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

Về thăm nghề đan cần xé Đức Hòa

Người già Trung Quốc gây sốt trên TikTok

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829