Thứ năm, 19/10/2023, 09:30
Giá khóm vùng Đồng Tháp Mười cao kỷ lục
Hiện giá trái khóm (dứa) tại huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đạt mức kỷ lục. Nông dân trồng khóm rất phấn khởi vì vừa được mùa, vừa trúng giá.
Thời điểm này, giá trái khóm dao động từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao ở mức kỷ lục các năm gần đây. Với mức giá này, mỗi kg khóm cho lợi nhuận hơn 5.000 đồng. Giá khóm tăng cao do thị trường rất hút hàng, trong khi đó, diện tích khóm đến kỳ thu hoạch chỉ khoảng 40%.
Giá khóm đang ở mức cao kỷ lục nhiều năm gần đây. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) có 20ha khóm thương phẩm vừa thu hoạch một đợt cho biết, khóm được thương lái thu mua tại ruộng với giá 10.500 đồng/kg (trong khi chỉ cần giá đạt 6.000 đồng/kg là đã có lãi).
Vùng đất Tân Phước rất phù hợp với cây khóm. Toàn huyện có trên 15.400ha khóm, tập trung ở các xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Mỹ Phước. Hầu hết các diện tích khóm nằm trong ô đê bao vững chắc, được trang bị máy bơm điện công suất lớn nên không bị thiệt hại khi mưa lũ bất thường.
Bà Trần Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) cho biết, toàn xã có hơn 2.000ha cây khóm. Gần đây, giá khóm ở mức cao nên đời sống người dân rất ổn định.
Theo bà Điệp, các năm trước giá khóm rất thấp, thậm chí có lúc bà con không bán được. Gần đây, giá khóm ổn định ở mức từ 9000 - 11.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.
Nông dân thăm đồng, tích cực chăm sóc khóm mùa mưa bão. Ảnh: Minh Đảm.
Bà Điệp đánh giá sắp tới, nếu được sự hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn để phòng trị một số bệnh hiện nay trên cây khóm thì khả năng diện tích khóm của xã sẽ phát triển thêm.
“Hiện nay đang trong mùa mưa bão, UBND xã Thạnh Mỹ đã tích cực vận hành các tổ bơm tát để quản lý, đảm bảo an toàn cho các diện tích khóm trong các ô bao, đồng thời các diện tích đất còn hoang sẽ tiếp tục vận động người dân trồng thêm nên thời gian tới diện tích khóm còn tăng”, bà Điệp nói.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây khóm vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước đã và đang chú trọng định hình vùng sản xuất khóm chuyên canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Với kỹ thuật xử lý cho trái khóm theo ý muốn được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao, nông dân hiện đang áp dụng kỹ thuật này một cách rộng rãi và tạo nên "cuộc cách mạng" trên lĩnh vực thâm canh cây trồng đặc sản này. Nhờ vậy, khóm Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm được nguy cơ được mùa, mất giá do mất cân đối cung - cầu, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh. Hiện trung bình mỗi tháng nông dân Tân Phước thu hoạch khóm một lần. Năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/năm.
Khóm cùng với khoai mỡ, thanh long là nông sản chủ lực của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) cho hay, đã áp dụng nhiều kỹ thuật thâm canh để cây khóm đạt năng suất, chất lượng tốt. “Mình phải sử dụng phân bón chất lượng, cây tốt thì xử lý mới đạt. Cây khi trưởng thành, đủ lá thì xử lý bằng khí đá cho cây trổ hoa”, ông Thiện nói.
Cùng với khoai mỡ, lúa và thanh long, khóm là cây ăn trái chủ lực của vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Cây khóm dù chịu tác động của thị trường nhưng vẫn giữ vị thế hàng đầu và rất ổn định đối với vùng đất này. Do đó, chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước là tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích cây khóm thương phẩm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận cho người trồng khóm.
Cùng với sự phát triển diện tích trồng khóm, hiện nay, mạng lưới thu mua, tiêu thụ trái khóm được mở rộng cũng góp phần đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của vùng chuyên canh khóm.
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ, toàn huyện hiện có mạng lưới 8 hợp tác xã liên kết thu mua, tiêu thụ khóm cho bà con nông dân. Đồng thời, có 19 vựa thu mua trái khóm cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước hoặc doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho trái khóm khi đến kỳ thu hoạch nên bà con rất an tâm sản xuất.
Giống khóm MD2 được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Minh Đảm.
Từ trái khóm tươi, người dân địa phương đã chế biến ra nhiều sản phẩm như kẹo, nước màu, nước giải khát… và đưa ra phục vụ thị trường. Đặc biệt, nghề làm kẹo khóm và chế biến các sản phẩm từ trái khóm phát triển mạnh đã giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, vừa tạo ra giá trị gia tăng cho cây trồng chủ lực vùng Đồng Tháp Mười. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp huyện Tân Phước đổi mới nông nghiệp, nông thôn và phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện sắp tới (27/8/1994 - 27/8/2024).
(Nguồn: nongnghiep.vn)
Link gốc: https://nongnghiep.vn/gia-khom-vung-dong-thap-muoi-cao-ky-luc-d365254.html