Thứ hai, 20/12/2021, 09:00
Giá khí tự nhiên 'nóng' dịp Giáng Sinh 2021 tại Âu Châu
Giá khí đốt tại châu Âu đã đạt 1.500 USD/1.000 m3 trong bối cảnh dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Châu Âu khó có thể kịp vận hành trong mùa đông này.
Theo dữ liệu của Sàn giao dịch hàng hoá ICE tại London (Vương quốc Anh), giá khí tự nhiên tại Châu Âu trong phiên giao dịch ngày 14/12 đã lần đầu tiên kể từ hồi tháng 10/2021 vượt mốc 1.450 USD/1.000 m3, thậm chí đã có lúc giá khí tự nhiên đạt tới 1.500 USD/1.000 m3.
Giá khí đốt tại khu vực châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tuần này khi thị trường lo ngại nguồn cung khí sẽ trở nên thiếu hụt trầm trọng trong bối cảnh đường ống dẫn khi đốt Nord Stream 2 từ Nga có thể không kịp vận hành trong mùa đông năm nay. Đồng thời, nhiệt độ tại khu vực châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục hạ thấp xuống cho đến cuối tháng này.
Việc nhiệt độ ở cả hai lục địa Á - Âu liên tục giảm khiến nhu cần tiêu thụ lượng khí đốt tự nhiên cho việc sưởi ấm ngày càng tăng cao, nhất là vào giai đoạn Giáng Sinh 2021 sắp đến. Đặc biệt, châu Âu có nhu cầu sưởi ấm ở mức cao nhanh chóng. Tại Đức, giá điện đã lên mức kỷ lục mới và tại Pháp cũng chạm mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã hoàn tất từ tháng 9 nhưng chưa thể đi vào vận hành vì còn chờ thủ tục từ Đức và Châu Âu (Ảnh: Reuterss)
Tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock xác nhận dự án Nord Stream 2 chưa thể vận hành vào lúc này do đoạn đường ống đưa khí đốt từ Nga tới Đức chưa đáp ứng các yêu cầu của luật năng lượng châu Âu cũng như các vấn đề về an ninh.
Trong ngày 12/12, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ ủng hộ việc vận hành dự án Nord Stream 2, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo để việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine tiếp tục được duy trì trong bối cảnh các căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang.
Trước đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã lên tiếng phản đối việc trì hoãn việc đưa vào vận hành dự án Nord Stream 2 khi Hoa Kỳ gia tăng áp lực buộc châu Âu sử dụng dự án này để làm phương tiện gây áp lực với Nga về vấn đề Ukraine. Ông Karl Nehammer cảnh báo: bất kỳ hành động trì hoãn việc vận hành dự án này sẽ khiến Liên minh châu Âu tự làm mình tổn thương do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung năng lượng.
Theo dự kiến, Đức sẽ phải quyết định việc cấp phép hoạt động cho dự án trong tháng 1/2022. Nếu được thông qua, đường ống Nord Stream 2 sẽ giúp chuyển 55 tỷ m3 khí tự nhiên/năm từ Nga tới Đức, giúp nâng cao đáng kể nguồn cung khí đốt cho khu vực châu Âu.
Giá năng lượng tăng mạnh đã khiến chính phủ các nước tại Châu Âu phải dùng biện pháp trợ cấp và miễn giảm thuế để bảo vệ người tiêu dùng, và nhiều nước đã kêu gọi thiết lập một hệ thống mua chung khí đốt của EU. Một số thông tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một cơ chế để các nước EU cùng mua khí đốt cho kho dự trữ nhiên liệu chiến lược và đề xuất này sẽ được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong hai ngày 16-17/12 tới đây.
Cơ chế này sẽ bao gồm một khung quy định cho phép các cơ quan được quản lý tiến hành mua chung khí đốt cho kho dự trữ chiến lược trên cơ sở tự nguyện. Theo EC, hệ thống này sẽ đóng góp vào các biện pháp phối hợp của EU trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực.
(Nguồn: Tạp Chí Công Thương)