Thứ tư, 12/01/2022, 14:30
Gia đình 5 đời làm nghề trống
Long An - Nhắc đến làng trống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ không ai là không biết đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn An (Tư An) với 5 đời làm nghề trống. Ba anh là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Mến (Năm Mến).
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Tư An, những chiếc trống đủ kích cỡ được chất chồng lên nhau ngay ngắn, chiếm hết 1/2 diện tích.
Làng trống Bình An bắt đầu từ khi nào không có nhiều người nhớ rõ nhưng riêng gia đình anh Tư An đã có 5 đời làm nghề bịt trống. Họ gắn bó với nghề như máu thịt. Vuốt ve từng chiếc trống trong nhà, anh An nói, đó là tâm huyết, nguồn vui và kinh tế chính của gia đình.
Tuổi thơ anh gắn liền với tiếng đục, bào, tiếng đóng vành cho trống. Tay anh chai sần vì căng da bịt trống. Những chiếc trống lân, trống bát nhã, trống đình, chùa,...từ xưởng của gia đình anh đi khắp mọi miền đất nước và được xuất khẩu ra nước ngoài. Để có được chiếc trống Bình An danh tiếng, cần có sự tài hoa và lòng yêu nghề của người làm trống. Làm trống quan trọng nhất là khâu chọn da, xử lý da.
Anh An kể, da trâu làm trống phải được chọn lựa kỹ, da đều màu, không trầy xước và tốt nhất là da trâu cái. Khi phơi da buộc phải phơi bằng ánh nắng mặt trời, sao cho da khô đúng chuẩn, giữ được độ căng, dẻo dai cần thiết. Ngoài da, lựa chọn gỗ cũng là một khâu quan trọng. Gỗ tốt và gỗ nguyên khối sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng, có giá trị cao.
Ngoài nguyên liệu tốt, người thợ còn phải có tay nghề và tình yêu dành cho nghề làm trống mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, chuẩn về âm thanh. Nghệ nhân sẽ biết rõ nên lựa chọn tấm da nào thích hợp cho loại trống nào, độ căng của mặt trống ra sao thì bảo đảm được âm thanh tốt nhất, độ bền của trống cao nhất. Ngoài ra, nghệ nhân còn phải học hỏi, tự nâng cao hiểu biết của mình, nhằm phục vụ tốt nhất cho công việc.
Nghệ nhân Tư An không chơi đờn ca tài tử, nhạc nhưng anh biết rõ trống chùa cần âm thanh như thế nào, trống nhà thờ cần độ vang ra sao. Các loại trống dùng trong dàn nhạc, tùy theo từng loại nhạc khác nhau mà trống có âm thanh khác nhau, để khi phối cùng các nhạc cụ đi cùng tạo ra một tổng thể hài hòa, chất lượng. Những điều đó, nghệ nhân Tư An đều nắm rõ.
Anh chia sẻ: “Chủ yếu là tôi tự học trong suốt quá trình làm việc với khách hàng, rút kinh nghiệm và tìm hiểu thêm trên sách, báo, Internet. Với lại, mình cũng phải có chút năng khiếu về cảm âm mới có thể phân biệt chính xác âm thanh của từng loại trống”.
Gia đình anh Tư An có 5 đời làm nghề bịt trống.
Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan xưởng, anh vừa tự hào kể: “Tất cả những thứ ở đây từ da, gỗ đến các nguyên vật liệu khác, tôi đều tự tay chọn mua từng thứ một. Mỗi thứ một nơi và phải tích góp dần mới được như hôm nay”. Xưởng nhà anh có những phôi gỗ nguyên khối dài hơn 1m để làm thân trống. Anh kể: “Mấy khúc gỗ này tôi đã tìm mua từ 10 năm trước. Gỗ phải được phơi nắng năm này qua năm khác, khô tự nhiên mới cho ra sản phẩm chất lượng cao”.
Vuốt tấm da trâu chất trong kho, anh An nói thêm: “Những năm trước, đơn hàng đi nhiều, độ gần tết làm không thể ngơi tay nhưng 2 năm trở lại đây, dịch bệnh đã làm mọi thứ ngừng trệ. Trước đây, mỗi năm, tôi phải mua mấy trăm tấm da trâu dự trữ, năm nay số lượng giảm nhiều”. Khó khăn hiện nay là vậy nhưng nghệ nhân Tư An không có ý định dừng bước. Anh nói, anh sẽ quyết tâm cho 2 con trai nối nghiệp của gia đình.
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Tư An, những chiếc trống đủ kích cỡ được chất chồng lên nhau ngay ngắn, chiếm hết 1/2 diện tích. Phần còn lại căn nhà là không gian sinh hoạt gia đình với hàng loạt bằng khen, hình ảnh về những thành tích nhận được trong quá trình làm nghề của các thế hệ trong gia đình.
(Nguồn: baolongan.vn)