Thứ bảy, 17/06/2023, 08:30
Ghi nhận hơn 100 trận động đất trong 6 tháng đầu năm 2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được hơn 100 trận động đất có độ lớn dao động khoảng từ 2.5 đến 4.7 độ.
Ngày 16/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023.
PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Vận hành ổn định hoạt động của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; vệ tinh VNREDSat-1; hoạt động của Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sỹ; vận hành hệ thống đài trạm quan trắc trên cả nước... nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cũng như cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động của 02 Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO; tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Đề án xây dựng Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”...
Đặc biệt, với việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cùng với các mạng trạm quan trắc đã góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được hơn 100 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 4.7 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 8 trận động đất có độ lớn ≥ 3.5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
Cùng với đó, công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Viện tập trung vào tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ định kỳ; tập trung triển khai nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xanh và ứng phó biến đổi khí hậu...
Bên cạnh việc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.
Cụ thể tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc Lần thứ 11 về “Quang lượng tử, Vật lý nano và Khoa học giáo dục”; hội thảo “Kết nối công nghệ phát triển nông nghiệp trồng trọt”; Tọa đàm VAST-OU: “Hợp tác phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao”; Triển lãm thành tựu khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Lào; khóa họp song phương lần thứ hai giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.
Đáng chú ý, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tập đoàn Airbus tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1. Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp của Viện Hàn lâm và các đối tác Pháp. Ngoài ra, triển khai xây dựng Đề án: “Xây dựng Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù” trực thuộc Viện...
Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình/kế hoạch công tác của Viện Hàn lâm, trong 6 tháng cuối năm 2023, Viện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Viện nhằm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Công nghệ sinh học, công nghệ ADN giám định hài cốt liệt sỹ; công nghệ hỗ trợ cảnh báo sớm động đất, sóng thần...
Bên cạnh đó, thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao. Đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu cơ bản, đổi mới hoạt động các trung tâm xuất sắc của Viện Hàn lâm.
Đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Viện như: Nghiên cứu khoa học biển, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, hóa hợp chất thiên nhiên... với khu vực ASEAN và các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển...
(Nguồn: congthuong.vn)
Link gốc: https://congthuong.vn/ghi-nhan-hon-100-tran-dong-dat-trong-6-thang-dau-nam-2023-258425.html