Thứ bảy, 02/11/2024, 14:00
EU siết chặt kiểm soát Temu
Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra với nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc, đánh dấu động thái mới nhất trong việc siết chặt quản lý các nền tảng trực tuyến lớn sau khi Đạo luật Dịch vụ Số (DSA) của khối này có hiệu lực đầu năm 2024.
Temu đã nhanh chóng mở rộng tới gần 50 quốc gia trong vòng hai năm qua.Ảnh: Charlie Bibby/FT.
Lo ngại của EU
Theo thông báo từ Ủy ban châu Âu, cuộc điều tra tập trung vào nhiều hành vi vi phạm của Temu đối với Đạo luật Dịch vụ Số (DSA). DW dẫn lời bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn bảo đảm Temu tuân thủ DSA, đặc biệt các sản phẩm bán trên nền tảng này phải đáp ứng tiêu chuẩn EU và không gây hại người tiêu dùng”.
Quyết định điều tra được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu phân tích sơ bộ báo cáo đánh giá rủi ro do Temu cung cấp vào tháng 9/2024 và thông tin từ các cơ quan chức năng quốc gia, trong đó có cơ quan quản lý Ireland. Theo Brussels Times, với tư cách là một nền tảng trực tuyến rất lớn (VLOP), Temu phải tuân thủ mức độ kiểm soát nghiêm ngặt nhất theo DSA, tương tự như các nền tảng khác như AliExpress, Amazon, Google Shopping và Zalando.
Giới chức Đức, Đan Mạch và Ireland phát hiện nhiều trường hợp bán hàng giả, dược phẩm, mỹ phẩm và đồ chơi không đạt chuẩn trên Temu.
Một quan chức cấp cao của Ủy ban chia sẻ với The Guardian về vấn đề này: “Chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng khác và có cơ sở để nghi ngờ rằng các biện pháp hiện tại chưa đủ và chưa thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lan tràn của các sản phẩm bất hợp pháp”. Đặc biệt là việc các “thương nhân gian lận” sau khi bị đình chỉ vẫn có thể quay trở lại nền tảng và tiếp tục bán hàng không đạt chuẩn chỉ sau vài ngày.
Bên cạnh đó, EU lo ngại về các chiến thuật bán hàng của Temu, bao gồm thiết kế gây nghiện với phần thưởng kiểu trò chơi và hệ thống kiểm soát yếu.
Cuộc điều tra sẽ xem xét cách Temu đề xuất nội dung và sản phẩm cho người dùng thông qua hệ thống đề xuất của mình. Theo đạo luật DSA, các nền tảng trực tuyến rất lớn (VLOP) như Temu phải công khai cách thức đưa ra các đề xuất này và cho phép người dùng từ chối các đề xuất dựa trên lập hồ sơ.
Ngoài ra, Ủy ban cũng sẽ điều tra việc Temu cấp quyền truy cập dữ liệu cho các nhà nghiên cứu độc lập, một yêu cầu khác của DSA. Nếu bị kết luận vi phạm trong cuộc điều tra, Temu có thể đối mặt với mức phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Chiến lược của Temu
Đáp lại những cáo buộc nói trên, Temu khẳng định họ nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo DSA, liên tục đầu tư để tăng cường hệ thống tuân thủ và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Theo The Guardian, công ty này cũng tuyên bố sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý để hỗ trợ mục tiêu chung về một thị trường an toàn, đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Lý do đằng sau những mức giá thấp ở trên Temu xuất phát từ mô hình kinh doanh và chiến thuật tiếp thị tích cực của Temu.
Theo NPR, trong nhiều thập kỷ, các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ đã thu được lợi nhuận bằng cách mua các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất với giá sỉ, đưa chúng đến Mỹ và bán chúng với giá cao hơn. Trong khi đó, Temu theo đuổi chiến thuật tương tự, nhưng công ty này hứa hẹn một mối liên kết trực tiếp, hợp lý giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.
“Việc giao hàng trực tiếp từ nguồn sản xuất giúp loại bỏ nhu cầu về nhiều giai đoạn vận chuyển và kho bãi, giúp giải quyết vấn đề về chi phí và tình trạng kém hiệu quả đáng kể nhất trong các hoạt động bán lẻ thông thường”, một phát ngôn viên của Temu nói với NPR.
Chiến lược của Temu tuân theo một mô hình mà Pinduoduo, nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc đứng sau Temu, đã hoàn thiện khi công ty này hợp lý hóa mối liên hệ giữa nông dân và người tiêu dùng trong lĩnh vực thực phẩm và nông sản của Trung Quốc. Năm 2022, Pinduoduo đã cho phép hơn 16 triệu nông dân bán sản phẩm của họ cho 880 triệu người tiêu dùng mua sắm trên nền tảng này.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng thừa nhận, lỗ hổng trong luật thuế nhập khẩu của Mỹ vô hình trung cho phép các công ty bỏ qua phí nhập khẩu đối với các lô hàng có giá trị nhỏ hơn và Temu sử dụng quy tắc đó khi vận chuyển các gói hàng riêng lẻ đến tận nhà của mọi người thay vì nhập khẩu số lượng lớn vào kho. Quy tắc đang được đề cập được gọi là de minimis - thuật ngữ pháp lý chỉ hàng hóa quá nhỏ hoặc không đáng kể để tính áp thuế.
So với đối thủ thời trang siêu nhanh Shein, Temu tập trung ít hơn vào quần áo và nhiều hơn vào đồ gia dụng siêu rẻ và đồ nhựa. Ngày càng có nhiều người nhắc đến nó như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị thương mại điện tử hàng đầu hiện nay của Amazon.
Đôi nét về Temu
Chủ sở hữu: Nền tảng thương mại điện tử toàn cầu thuộc sở hữu của Công ty PDD Holdings (Trung Quốc)
Thời điểm ra mắt: Tháng 4/2023 tại EU với khẩu hiệu “Shop like a billionaire” (mua sắm như một tỷ phú)
Sản phẩm cung cấp: Đa dạng từ mỹ phẩm, thời trang đến nội thất và công nghệ
Tăng trưởng người dùng: Từ 75 triệu (tháng 4/2024) lên 92 triệu (tháng 9/2024) tại EU
Phân loại tại EU: Được xếp vào “Nền tảng trực tuyến rất lớn” (VLOP) từ tháng 5/2024
Giá trị hàng hóa: Tăng 40,2% lên 12,2 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024 theo thủ tục hải quan đơn giản.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://www.baodanang.vn/channel/5408/202411/eu-siet-chat-kiem-soat-temu-3992846/