Thứ tư, 26/01/2022, 18:00
Chốt phương án đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án sớm được triển khai sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc sớm triển khai dự án sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, góp phần đẩy mạnh chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Hà Nội và các địa phương trong khu vực, nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu, giảm thiểu thiệt hại, chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương…
Với tầm quan trọng của dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các Bộ và cơ quan liên quan phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội, ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án gồm:
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương), dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022 và Nghị quyết số 44/2022 ngày 11/1 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.
UBND thành phố xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai các công việc bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát lại suất đầu tư, nêu rõ sự chênh lệch giá thành, suất đầu tư... so với các tuyến cao tốc khác; rà soát phạm vi giải phóng mặt bằng (đất lúa, đất nông nghiệp, đất dân cư...) bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Lãnh đạo thành phố cũng sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, làm việc với các cơ quan có liên quan, các Ủy ban của Quốc hội xin ý kiến về các nội dung chính của dự án để nâng cao chất lượng hồ sơ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là tổ trưởng tổ công tác, lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 4, rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Tổ cũng phải kiểm tra kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1 km đường của dự án cao, rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả, nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa Trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
(Nguồn: ndh.vn)