Thứ sáu, 06/10/2023, 08:00
Đồng Nai chuẩn bị khai thác thị trường tín chỉ carbon
Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất vùng Đông Nam bộ (ĐNB). Đây là lợi thế lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Nếu khai thác được lĩnh vực này, tỉnh sẽ có nguồn thu lớn tái đầu tư cho phát triển rừng, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải.
Doanh nghiệp, học sinh tham gia trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên.
Tiềm năng to lớn
Đồng Nai có gần 200 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 172 ngàn ha diện tích đất có rừng. Nhờ chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và không ngừng phục hồi, phát triển các loại rừng: phòng hộ, sản xuất và đất lâm nghiệp từ nhiều năm trước, diện tích đất có rừng ngày một gia tăng.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho rằng, Đồng Nai có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐNB, trong đó rừng tự nhiên chiếm 48% khu vực. Rừng ở tỉnh có đặc trưng là đan xen hệ sinh thái trên cạn và dưới nước nên có tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan đẹp. Đây là điều kiện lý tưởng để khai thác dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và tín chỉ carbon.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai Lê Thuần Thành cho biết, cả tỉnh có gần 157ha rừng đang được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nếu diện tích này được chuyển sang sản xuất và bán tín chỉ carbon thì nguồn thu sẽ cao hơn nhiều. Khi đó có thể giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia trồng, chăm sóc rừng. Từ đó. làm gia tăng diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng khối lượng carbon được phép thải ra.
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, Đồng Nai có diện tích rừng lớn, việc tạo ra tín chỉ carbon để bán là tiềm năng to lớn để tái đầu tư cho rừng, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng, đồng thời giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp và đô thị hóa. Tỉnh đang chờ nghị định của Chính phủ để xây dựng đề án xác định khối lượng giá trị carbon của từng khu rừng và toàn tỉnh, xin cơ chế tham gia thị trường trao đổi, mua bán carbon.
Đến nay, cả nước mới có 6 địa phương thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đồng Nai chưa thực hiện nhưng UBND tỉnh đã có các văn bản triển khai quy định của Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT liên quan đến phát triển rừng, phát triển nông nghiệp thông minh, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo thống kê cung cấp thông tin, số liệu thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải; thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu phương pháp định lượng và ước tính phát thải khí nhà kính cho các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh… Đây là những cơ sở để sau này áp dụng định mức giảm phát thải, quy đổi lượng khí thải được phát bằng tín chỉ carbon.
Việt Nam có khoảng 14,7 triệu ha rừng, ước hấp thụ carbon khoảng 70 triệu tấn CO2/năm. Trong đó, Đồng Nai có 172 ngàn ha rừng có thể khai thác tín chỉ carbon.
Năm 2028 sẽ có sàn giao dịch
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các luật, nghị định, chương trình, kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Liên quan đến thị trường carbon, tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP năm 2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Chính phủ đưa ra lộ trình thí điểm thực hiện từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vận hành chính thức thị trường carbon là thách thức không nhỏ nhưng vượt qua được rào cản về định giá, pháp lý sẽ là cơ hội lớn. Hiện nay, một số ngân hàng trên thế giới đã có các cam kết hỗ trợ Việt Nam làm thí điểm, phát triển thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam cần có cách tiếp cận thị trường này một cách chặt chẽ, khôn ngoan, có trách nhiệm.
Cùng chủ đề trên, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, thị trường thế giới ngày càng khắt khe hơn về cắt giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, sản xuất thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp nếu không chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ không thể tham gia thị trường toàn cầu.
Việt Nam đang ở giai đoạn chuẩn bị cho chương trình thí điểm nên việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế tham gia.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM nhấn mạnh, thách thức hiện nay là biến cam kết của Chính phủ thành định hướng, khuôn khổ rõ ràng hơn. Cùng với đó là đưa những người liên quan vào cuộc thực hiện mục tiêu giảm phát thải.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu quan tâm thực hiện giảm phát thải, sử dụng năng lượng và nguyên liệu thân thiện với môi trường. Việc xây dựng quy định rõ ràng, đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể và có những ưu đãi cho đơn vị làm tốt thì sẽ thúc đẩy kinh tế sinh thái từ carbon.
(Nguồn: baodongnai.com.vn)