Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống

Thứ sáu, 18/03/2022, 11:30

Độc đáo Lễ Nghinh Ông Sông Đốc

Cà Mau - Sáng 17/3, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời diễn ra Lễ Nghinh Ông. Đây là nghi thức cúng rước cá Ông (cá Voi) mà ngư dân miền biển gọi là vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã có công không ít lần cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn.

Ban Trị sự Lăng cùng hội ông, hội bà và học trò lễ thực hiện nghi thức cúng tế.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vào ngày 14-16/2 âm lịch hàng năm, là lễ hội dân gian lớn nhất vùng ven biển Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, thị trấn Sông Đốc trở nên náo nhiệt và sôi động với hàng ngàn tàu đánh cá cặp bến sau chuyến biển, cùng hàng ngàn lượt du khách thập phương về tham dự các hoạt động của lễ hội.

Năm nay, theo ông Nguyễn Văn Út, Chánh chủ Lăng Ông Sông Đốc, do tình hình dịch Covid-19 nên Ban Tổ chức đã quyết định chỉ tổ chức phần lễ, mà không tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian cũng như hội thi, hội diễn văn nghệ như mọi năm.

Do tình hình dịch Covid-19 nên năm nay không diễn ra lễ Nghinh Ông trên biển, mà chỉ tổ chức múa lân và cúng vái tại bến cầu cảng liên doanh thuỷ sản Sông Đốc.

Phần lễ chính diễn ra vào ngày Rằm tháng Hai, với nghi thức rất quan trọng là lễ cúng tế tiên sư và tiền vàng, tỏ lòng tri ân của dân làng trước công đức của Nam Hải Đại tướng quân. Sau đó, chủ lễ cùng Ban Trị sự Lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được các học trò lễ khiêng, theo hầu. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa lân…mặc lễ phục xếp thành 2 hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Các chức sắc, hội bà, học trò lễ cúng bái tại lăng.

Lễ diễu hành quanh thị trấn Sông Đốc.

Tiếp theo, tổ chức xe có bố trí cờ hoa lễ hội, có nhạc trống, múa lân, long đình, binh khí, học trò lễ và một số thành viên trong Ban Trị sự Lăng diễu hành quanh khu vực từ lăng (Khóm 2) qua các con đường chính trung tâm thị trấn đến bến cầu cảng liên doanh thuỷ sản (Khóm 7), sau đó rước Ông về lăng, tổ chức các nghi lễ cúng bái như: cúng tiền giảng và chánh tế (đủ lễ).

Nghi lễ này thường được tổ chức vào nửa đêm Rằm, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới; Ban Trị sự chọn ra một người lớn tuổi, đức độ để làm nhiệm vụ khai mõ. Nghi thức này còn được gọi bằng tên lễ tỉnh sanh/tỉnh sinh tại lăng, diễn ra đến hết ngày 16/2 âm lịch.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển, đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2021.

(Nguồn: baocamau.com.vn)

Link gốc: https://www.baocamau.com.vn/du-lich-the-thao/doc-dao-le-nghinh-ong-song-doc-72047.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Ngắm cây phượng hình trái tim đỏ rực dưới chân núi Bà Đen

Khỉ Bali gây sốt mạng với 'kỹ năng selfie' điêu luyện

Cây hoa giấy đẹp siêu thực mỗi năm đều hút khách ở Đà Lạt

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829