Thứ sáu, 14/01/2022, 15:30
Doanh nghiệp Việt đang 'mơ giấc mơ Mỹ'
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trong năm nay.
IPO VinFast - Một trong những thương vụ mong đợi nhất năm 2022
Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đang triển khai kế hoạch niêm yết công ty sản xuất ôtô VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ. Hiện VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để IPO vào nửa sau năm nay.
Bên cạnh đó, Vingroup đang tích cực tái cấu trúc để chuẩn bị cho quá trình niêm yết. Tháng 12/2021, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Công ty sản xuất ôtô VinFast đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - Ảnh VF
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% vốn của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết lý do chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp từ VinFast Việt Nam sang VinFast Singapore là việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ, chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan. Do đó VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này.
Theo bà Thủy, việc niêm yết thành công tại Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật, cùng với đó góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu. Việc này cũng sẽ giúp VinFast dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường Mỹ.
Chia sẻ với Bloomberg hồi tháng 11/2021, Phó Chủ tịch Vingroup cho hay VinFast dự kiến có giá trị từ 25 tỷ USD đến 60 tỷ USD sau IPO. Bà Thủy cũng cho biết công ty vẫn chưa quyết định sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hay chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Các nguồn tin nói đợt IPO có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD.
Phương án ưu tiên hơn là thông qua SPAC để niêm yết tại Mỹ, theo các nguồn thạo tin. Tuy nhiên, quá trình đàm phán với các SPAC chưa có nhiều tiến triển về đề xuất thỏa thuận hay thời điểm niêm yết. Nguyên nhân là những bất ổn liên quan đến quy định quản lý SPAC ở Mỹ. Lộ trình về thương vụ chưa được thiết lập và các kế hoạch của công ty có thể thay đổi.
Mặc dù không tiết lộ phương án cụ thể IPO của VinFast, bà Thủy cho biết VinFast sẽ chỉ bán 5-10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty.
IPO ở Mỹ - Giấc mộng không chỉ riêng ai
Ngoài VinFast, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm đường niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất thế giới. Thaiholdings (HNX: THD) mới đây thông báo muốn IPO công ty mới thành lập Thaispace tại thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong năm nay.
Thaispace có vốn điều lệ dự kiến là 26.688 tỷ đồng. Trong đó, Thaiholdings góp 5% vốn, tương đương hơn 1.334 tỷ đồng. 95% vốn còn lại, tương ứng gần 25.354 tỷ đồng do cha con ông Nguyễn Đức Thụy - cổ đông sáng lập ThaiHoldings trực tiếp sở hữu. Cụ thể, ông Thụy góp 20.016 tỷ đồng, tương đương 75% vốn; hai người con là Nguyễn Xuân Thái và Nguyễn Ngọc Mỹ Anh góp gần 2.669 tỷ đồng mỗi người, ứng với 10% vốn. Con gái Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (sinh 2001) giữ vị trí Tổng giám đốc của Thaispace.
Ngành nghề hoạt động chính công ty này gồm kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data); kinh doanh dịch vụ du lịch hàng không vụ trụ…
Thaispace được thành lập với mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Thủ tướng. Giai đoạn 2026-2030, Thaispace kỳ vọng có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch niêm yết tại Mỹ - Ảnh: Bamboo Airways, Tiki, VNG, Thaiholdings.
Cũng trong năm 2021, một doanh nghiệp Việt Nam khác cho biết cũng sẽ gia nhập “sân chơi quốc tế” là Bamboo Airways. Tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways chia sẻ với Reuters về kế hoạch IPO tại Mỹ để huy động 200 triệu USD trong quý III/2021. Số lượng cổ phần chào bán ra công chúng là 5-7% vốn điều lệ, tương ứng định giá lên tới 4 tỷ USD. Cho đến thời điểm hiện tại, rõ ràng kế hoạch của hãng hàng không Việt Nam đã đổ bể.
Theo cập nhật mới nhất, đại diện Bamboo Airways cho biết hãng dự kiến giao dịch cổ phiếu BAV trên sàn UPCoM từ quý I năm nay với giá không dưới 60.000 đồng/cp. Song song đó, Bamboo Airways cũng đang gấp rút chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ chào bán cổ phiếu BAV trên thị trường chứng khoán New York ngay trong năm nay.
Tiki, sàn thương mại điện tử Việt Nam, cũng có kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO Tiki, cho biết đơn vị ban đầu dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, tuy nhiên có thể thực hiện sớm hơn. Công ty có thể IPO thông qua hình thức SPAC.
Hay VNG - công ty trò chơi trực tuyến Việt Nam từng được đầu tư bởi quỹ tài sản Singapore GIC - cũng đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 – 3 tỷ USD. Theo Bloomberg, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam này đã có kế hoạch niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017.
Công ty bất động sản Big Invest Group sắp giao dịch trên UPCoM cũng muốn IPO tại New York để thu 200 tỷ USD. Công ty này được thành lập vào cuối năm 2017, vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Xuất phát điểm là đơn vị chuyên mua bán vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công trình. Hiện Big Invest Group có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ngành nghề chính chuyển thành tư vấn và môi giới bất động sản.
Thực tế, tham vọng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế không phải là mới. Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) với mã CAVO. Quá trình niêm yết được thực hiện thông qua hình thức SPAC. Công ty chính thức được chấp thuận niêm yết vào năm 2009, tuy nhiên bị hủy niêm yết vào hai năm sau đó.
“Giấc mơ Mỹ” liệu có dễ dàng?
Niêm yết thành công ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu. Theo ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), có thể nói trong một số trường hợp thì việc IPO/niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế sẽ mang lại một mức định giá tốt hơn, với quy mô thương vụ cao hơn.
Tuy vậy “giấc mộng” này chưa phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng đạt được do không phải công ty nào cũng đáp ứng được các điều kiện niêm yết/giao dịch và hoạt động trong các ngành/lĩnh vực được các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm.
Mỹ sở hữu hai sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới là NYSE và Nasdaq. Doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết hai sàn này cần đáp ứng một trong 4 bộ tiêu chuẩn tài chính khắt khe về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, vốn hóa; cùng với các yêu cầu khác về thanh khoản cổ phiếu.
Để quá trình niêm yết diễn ra nhanh chóng và ít tốn tiền hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn SPAC thay vì IPO truyền thống. Ông Hưng cũng nhận định rằng SPAC hiện là phương pháp tối ưu nhất khi quy mô các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, không hoạt động chính tại thị trường Mỹ.
Ngoài ra, IPO theo cách truyền thống chỉ tối ưu nếu quy mô doanh nghiệp đủ lớn và được biết đến nhiều tại thị trường nước ngoài (một điều mà ngay cả GRAB cũng không chọn, dù quy mô thương vụ có thể lên tới 40 tỷ USD và hoạt động ở nhiều quốc gia, nhưng cũng không được biết đến nhiều tại Mỹ bằng Uber – công ty đã thực hiện IPO theo cách truyền thống).
Tuy nhiên CNBC đánh giá rằng cạnh tranh cao và thị trường biến động khiến các doanh nghiệp huy động thông qua hình thức SPAC không còn dễ dàng. Các nhà đầu tư cũng không còn “mặn mà” với các cổ phiếu SPAC do chất lượng ngày càng thấp.
IPO thành công đã khó, việc duy trì niêm yết lại càng khó hơn. Một trong những yêu cầu cơ bản mà các doanh nghiệp phải đáp ứng sau niêm yết là các quy định về công bố thông tin. Chuyên gia từ SSI Research cho rằng khó khăn có thể là sự khác biệt về hệ thống kế toán, tài chính giữa Việt Nam và các thị trường phát triển.
Trường hợp này có thể kể đến công ty xây dựng Cavico. Do các công ty con của Cavico không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế nên đơn vị này không thể hợp nhất và thực hiện báo cáo kiểm toán đúng hạn. Bên cạnh đó thời điểm niêm yết của doanh nghiệp cũng không thuận lợi và nếu không có mục tiêu rõ ràng về việc niêm yết, thì nhiều khi chi phí tuân thủ còn cao hơn các lợi ích khác.
(Nguồn: ndh.vn)