Đang tải ...
  
Kinh doanh Doanh nghiệp

Thứ sáu, 18/02/2022, 06:30

Doanh nghiệp 'ra đường' tuyển lao động

Trên nhiều con đường gần các khu công nghiệp ở Bình Dương, các doanh nghiệp cử nhân viên ra ngồi kín lề đường để tuyển dụng lao động với những ưu đãi hấp dẫn.

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu nhân công lại xảy ra. Năm nay, các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc bù số lao động thiếu hụt trước Tết do người lao động về quê tránh dịch Covid-19 và không quay lại.

Sẽ về tận quê để tuyển lao động

Tỉnh Bình Dương hiện có gần 52.000 doanh nghiệp (DN), trong đó có khoảng 5.000 DN vốn FDI. Khó khăn lớn nhất mà các DN phải đối mặt hiện nay là thiếu lao động, cả phổ thông và trình độ cao.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, hiện tỉnh này cần tuyển khoảng 50.000 lao động, bao gồm tuyển mới và tuyển bù số lao động về quê nghỉ Tết không trở lại. Trong số này, khoảng 30% là lao động chuyên môn cao, phần còn lại là lao động phổ thông.

Năm nay, trên nhiều con đường ở Bình Dương, có hình ảnh các doanh nghiệp cử nhân viên tràn ra đường tuyển nhân công. Ảnh: Hồng Thủy.

Tuy nhiên, đầu năm 2022 việc tuyển dụng lao động khó khăn hơn. Theo đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp, ngay sau Tết Nguyên đán, khoảng 80% người lao động đã quay trở lại làm việc, số lao động thiếu hầu hết là những người đã về quê tránh dịch Covid-19, nay không quay trở lại.

Tại đường D1, phường An Thạnh, TP Thuận An (Bình Dương) thuộc khu vực cổng công ty TNHH Shyang Hung Cheng (ngành nghề giày da), một tấm bảng khá to ghi thông tin tuyển dụng dựng ngay trên lề đường. Anh Trần Văn Lực, nhân viên Phòng Nhân sự của công ty này cho biết, công ty đang cần tuyển gấp 1.000 nhân công.

“Chúng tôi ngồi đây tuyển dụng cả tuần nay, mà mỗi ngày chỉ được vài chục người. Chỉ cần căn cước công dân, đã tiêm đủ 2 mũi vacxin, chúng tôi nhận vào “vòng trong” khám sơ bộ, đủ sức khoẻ là được nhận. Hồi trước tuổi nhận là từ 18 – 45, nay nới rộng hơn, 50 tuổi vẫn nhận. Thu nhập bình quân từ 10 triệu/tháng trở lên, các chế độ cũng tốt hơn trước như ứng trước tiền ăn, tăng lương cơ bản, lo chỗ ở cho công nhân, thưởng chuyên cần, sản lượng… nhưng tình hình này khó mà tuyển đủ”, anh Lực nói.

Tại nhiều điểm để bảng tuyển dụng, nhân viên tuyển dụng khá rảnh vì rất ít người đến xin việc. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Tại đường DE1, Khu tái định cư Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa (thị xã Bến Cát, Bình Dương), một nhân viên trẻ tên Hùng của Công ty Human Power Nhật Bản (chuyên cung cấp nhân lực, lao động) cũng đang tất bật phát tờ rơi cho người đi đường.

Hùng cho biết, nhiều DN đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực lao động, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất gỗ, điện tử, may mặc, xây dựng... Do thiếu lao động nên thời gian qua không ít DN tại Bình Dương đã tìm đủ mọi cách để tìm kiếm lao động, ngoài việc thông qua công ty tuyển dụng, các DN sản xuất này cũng đưa ra những điều kiện tuyển dụng đơn giản, không còn khắt khe như trước.

“Theo thông tin từ các DN ở Bình Dương hầu hết đều thiếu lao động, có DN thiếu ít, có DN thiếu nhiều. Ngoài liên hệ với các đơn vị cung cấp lao động như Human Power, họ tự tìm giải pháp như đăng tuyển dụng trên báo, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, và năm nay còn “tràn” ra đường căng băng rôn, phát tờ rơi. Thực ra, đây là tín hiệu mừng, vì cần nhiều lao động tức là tình hình sản xuất khả quan, nhiều việc làm”, anh Hùng nói.

Nhiều doanh nghiệp đề ra nhiều chế độ "trải thảm đỏ" để tuyển công nhân.

Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern, ở Khu công nghiệp VSIP I, chị Duyên, cán bộ Phòng Sản xuất cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển thêm khoảng 2.000 lao động để đáp ứng số đơn hàng đang có từ này đến hết quý II. Về chế độ, ngoài ưu đãi về lương, thưởng, công ty còn bố trí xe đến tận nhà đón và hỗ trợ công nhân tìm chỗ ở.

Tổng thu nhập của công nhân làm đủ thời gian và tăng ca, có thể lên đến gần 20 triệu đồng. “Thế nhưng, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, công ty mới tuyển được khoảng 500 người. Công ty đang có kế hoạch “về quê” ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm”, chị Duyên cho biết.

Ngay từ đầu năm 2022, hàng loạt DN đã phục hồi sản xuất, cần thêm hàng ngàn lao động phổ thông và chuyên môn cao. Để giải quyết vấn đề lao động, nhiều DN treo bảng thông báo, banner tuyển dụng nhân viên, công nhân lao động kín hai bên đường, quanh khu vực công ty.

Đặc biệt, năm nay có thêm hình ảnh nhân viên nhiều DN ra ngồi lề đường, phát tờ rơi thông báo tuyển lao động cho người đi đường và nhận hồ sơ, phỏng vấn người ứng tuyển lao động ngay trên lề đường.

Làm gì để “giữ chân” người lao động?

Lý giải vấn đề khan hiếm lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó cơ bản nhất là năm nay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các DN phải thu hẹp sản xuất, nhiều DN đóng cửa, người lao động phần mất việc, phần về quê tránh dịch và nay có việc làm ở quê, không muốn ra thành phố nữa.

Ngoài ra, hiện ở nhiều địa phương cũng hình thành các khu công nghiệp, kéo theo sự dịch chuyển lao động. Mức lương tối thiểu giữa các vùng không còn chêch lệch quá lớn, cùng với cơ hội việc làm tại chỗ đã giúp người lao động có thêm sự lựa chọn, thay vì xa quê kiếm sống.

Dù vậy, theo ông Tuyên, tình trạng thiếu lao động chỉ mang tính cục bộ, và không trầm trọng vì các DN đã có chiến lược, chính sách để giữ những lao động chuyên môn cao. Chính vì thế, khi tình hình dịch Covid-19 trở lại bình thường, đa số các DN vẫn lấp đầy khoảng 80% nhân lực. Số lao động thiếu do phát sinh đơn hàng và số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông.

Do thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp đưa ra nhiều ưu đãi như tăng lương, thưởng, hỗ trợ nhà trọ cho công nhân.

Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm), đơn vị có hơn 1.000 lao động. Từ đầu dịch Covid-19, dù tình hình sản xuất rất khó khăn, nhưng công ty vẫn đặt vấn đề nhân sự lên hàng đầu. Chính vì thế, ngay trong thời điểm công ty tiến hành đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu thêm 10 ha, với nguồn nhân lực cần thêm khoảng 500 người thì dịch bùng phát, khó khăn càng chồng chất. Mặc dù vậy, vấn đề nhân công của DN này vẫn ổn định, và sau dịch, vẫn không thiếu.

Giải thích về điều này, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh, muốn giữ chân người lao động, DN cần đảm bảo các vấn đề như an toàn lao động, an toàn trong phòng chống dịch bệnh, có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động. DN phải công khai, minh bạch về những chế độ ưu đãi, có cam kết thực hiện đúng.

Tuy nhiên, việc thiếu lao động chỉ là tạm thời, và số lao động thiếu này chủ yếu là lao động phổ thông.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều biết rằng, người lao động tại địa phương hay lao động nhập cư thì họ vẫn luôn mong muốn tìm kiếm cho mình một công việc ổn định, có nguồn thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống. Một khi người lao động an tâm về sức khỏe, về kinh tế cũng như chỗ ở thì họ sẽ sẵn sàng gắn bó với DN. Và cho dù có về quê tránh dịch, thì sau đó họ cũng sẽ quay lại với mình thôi. Trừ khi có lý do bất khả kháng như gia đình", ông Liêm đánh giá.

Cũng theo ông Liêm, thời gian qua, nhiều DN giữ chân người lao động bằng các hoạt động chăm lo Tết như hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức xe đưa đón, những người không về quê được tặng quà, tổ chức rút thăm trúng thưởng đầu nămvới nhiều phần quà có giá trị, tiêm mũi 3 vacxin ngừa Covid-19... Một số DN có điều kiện hơn thì hỗ trợ tiền thuê nhà, tặng xe máy cho công nhân nghèo, những trường hợp bị nhiễm Covid-19 sẽ được hỗ trợ tiền hay thuốc chữa bệnh…

“Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn sau Tết, mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm (định kỳ 2 phiên/tháng, sàn giao dịch việc làm trực tuyến).

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc; đẩy mạnh hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm. Sở LĐ-TB-XH tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các DN tiếp tục thực hiện tốt các chế độ lương, thưởng và phúc lợi để giữ chân người lao động.

“Để hỗ trợ tối đa cho DN, ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tỉnh cũng chủ động liên hệ với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước để ký kết hợp tác cung ứng lao động”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cho biết.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Bảng xếp hạng '100 nơi làm việc tốt nhất 2024'

Vingroup thành lập công ty nghiên cứu và phát triển người máy

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829