Thứ năm, 03/03/2022, 07:00
Doanh nghiệp lúng túng với thuế giá trị gia tăng
Nghị định 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% có hiệu lực thi hành gần một tháng qua nhưng các doanh nghiệp vẫn rất lúng túng khi áp dụng.
Rối thuế suất đầu vào, đầu ra
Chị Bình Yên - kế toán một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xây lắp nhà xưởng ở TPHCM - cho biết để hoàn thiện công trình, DN phải thi công nhiều hạng mục, phải nhập và lắp đặt máy móc, thiết bị với thuế suất 10%. Khi xuất hóa đơn cả công trình, DN vẫn không biết tính 8% hay là tách riêng từng hạng mục 8% và 10%.
Tương tự, những DN sản xuất khác băn khoăn rằng, họ nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất với thuế suất 10%, có loại 8% nhưng thuế suất đầu ra sản phẩm là 8% thì khi xuất hóa đơn, nên ghi là 10% hay 8%?
Ông Trương Văn Hiền - chủ đại lý phân phối cáp điện Trương Hiền, H.Hóc Môn, TPHCM - cho biết cùng một mặt hàng dây cáp điện, khi cung cấp cho đại lý của ông, một DN áp dụng thuế suất 8%, DN khác áp dụng thuế suất 10% với lý do là “ngành nghề đăng ký kinh doanh
khác nhau”.
Không ít DN được khách hàng yêu cầu chứng minh thuế VAT của một mặt hàng nào đó là 8% hay 10%. “DN chúng tôi làm công trình xây dựng và áp dụng thuế suất 10% nhưng khách hàng đòi hỏi văn bản chứng minh DN tôi được áp dụng thuế suất 10%, còn nếu không chứng minh được thì phải áp dụng thuế suất là 8%. Hầu hết khách hàng yêu cầu các DN phải xuất hóa đơn 8%” - ông Việt Anh - Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Anh - than.
Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lúng túng khi áp dụng giảm VAT với các sản phẩm khi đưa ra thị trường
Cũng có trường hợp xuất hàng ứng trước tháng 1/2022 với thuế suất 10%, sang tháng 2/2022 mới ký biên bản thì không rõ là nên viết hóa đơn 10% hay 8%; nếu xuất 8% thì phần chênh lệch được xử lý thế nào, có bị truy thu thuế bổ sung 2% và phạt hành chính hay không?
Một số kế toán viên cho biết, họ đã tra cứu mã số thuế DN trên hệ thống hóa đơn điện tử chuyên nghiệp, trong file dữ liệu biểu suất thuế xuất nhập khẩu năm 2022 của hải quan cho ra kết quả là áp dụng thuế VAT 8%, còn tra theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (về giảm thuế VAT năm 2022) và Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì cho kết quả là áp dụng thuế VAT 10%.
“DN tôi tra sản phẩm đó chịu thuế 10%, nhưng khách hàng cho rằng phải áp dụng thuế suất 8%. Tôi thật sự rối” - chị Giang, một kế toán viên, cho hay.
Nên áp dụng quy tắc trọng yếu
Ông Nguyễn Ngọc Tịnh - giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM - cho rằng có một số quy tắc mà nhân viên kế toán và DN có thể tự “gỡ rối”. DN nên kiểm tra hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh cung cấp xem có được giảm thuế VAT hay không, còn mã ngành nghề kinh doanh chỉ là yếu tố tham khảo. Đôi khi, DN đăng ký ngành nghề này nhưng lại kinh doanh ngành nghề khác, mặt hàng khác hoặc sử dụng tên gọi không nhất quán, không mô tả hết tính lý hóa của hàng hóa, dịch vụ. Nếu hàng hóa, dịch vụ đang áp VAT 10% và nằm ngoài danh mục nhóm ngành nghề không được giảm thuế thì được giảm xuống 8% dù mã ngành nghề của cơ sở là sản xuất hay bán buôn, bán lẻ.
Các dịch vụ có nhiều hàng hóa với nhiều thuế suất khác nhau thì nên quay về quy tắc tra cứu hàng hóa, dịch vụ đó. Ví dụ, có người cho rằng, bán bia là thương mại nên thuế suất 10%, phục vụ trên bàn ăn là 8%, nhưng nếu tra cứu thì bia rượu là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt nên vẫn áp dụng 10%. Với các dịch vụ xây dựng, lắp đặt, cần chia thành nhóm dịch vụ lắp đặt bao thầu nguyên vật liệu hay không bao thầu nguyên vật liệu và mỗi loại dịch vụ có thuế suất riêng.
Nếu hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp trước ngày 1/2/2022 nhưng sau ngày 1/1/2022 mới phát hành hóa đơn thì không được áp dụng thuế VAT 8%. Nếu dịch vụ cung cấp theo kỳ, theo tháng và trải qua hai thời điểm (chưa áp dụng và đã áp dụng giảm thuế) thì phải viết hai hóa đơn riêng, một là lúc chưa giảm thuế, hai là đã giảm thuế.
Khi DN mua hàng hóa với nhiều mức thuế khác nhau (0%, 5%, 8% 10%...) sau đó lắp ráp, sản xuất thành sản phẩm để bán thì xuất hóa đơn riêng từng loại hay xuất hóa đơn chung? Theo ông Nguyễn Ngọc Tịnh, nếu áp dụng nguyên tắc đầu vào để tính thuế đầu ra, sẽ rất khó và DN sản xuất nào cũng sẽ vướng, trừ DN thương mại (đầu vào bao nhiêu, đầu ra bấy nhiêu). DN sản xuất cần xác định quy tắc chung: nếu đã thay đổi hình thái, vật lý để tạo ra sản phẩm mới thì sẽ có tên gọi mới, mã ngành mới và lúc này phải áp dụng thuế theo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng mà DN tạo ra: “Hiện nghị định không đề cập đến vấn đề này và thời gian tới, cơ quan thuế cần hướng dẫn rõ để DN yên tâm khi áp dụng việc giảm thuế”.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hội DN TPHCM - cho rằng đối với Nghị định 15/2022/NĐ-CP, nên áp dụng theo quy tắc trọng yếu chứ không nên theo chi tiết và câu chữ. Quy tắc trọng yếu, theo ông, thứ nhất, đây là chính sách hỗ trợ DN, trong mối quan hệ với Nhà nước thì DN luôn yếu thế nên cứ xác định hễ DN là được giảm thuế, có như vậy thì kế toán mới không lo sợ về sự mập mờ giữa ranh giới được giảm và không được giảm. Thứ hai, nếu DN kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mặt hàng thì nên áp dụng với ngành nghề chính, mặt hàng chính (chiếm trên 5% tổng doanh thu tại DN). Thứ ba, những ngành hàng tương tự nhau, cùng dịch vụ như nhau thì nên áp dụng thuế suất giống nhau.
(Nguồn: Giáo dục Online)