Đang tải ...
  
Kinh doanh Bất động sản

Thứ bảy, 25/12/2021, 06:30

Doanh nghiệp bất động sản: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Với không ít chủ đầu tư, dù đã có sự chuẩn bị trước, song năm 2021 vẫn là năm khó khăn do diễn biến khó lường của dịch bệnh, trong khi kết quả dường như khả quan hơn với phần đông đơn vị phân phối do chi phí hoạt động đã được tối thiểu hóa từ năm trước.

Việc có sẵn nguồn hàng sẽ giúp chủ đầu tư duy trì tăng trưởng.

Không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh 2021

Bắt đầu câu chuyện với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư dự án quy mô tầm trung ở Hà Nội cho biết, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn khiến ban lãnh đạo công ty bối rối với câu chuyện lương, thưởng cuối năm cho người lao động, cũng như sức ép từ các cổ đông.

“Trong năm nay, có tới gần 6 tháng doanh nghiệp không hoạt động được vì dịch bệnh, mỗi lần ‘bình thường mới’ trở lại thì thêm một lần chuẩn bị để phục hồi hoạt động thi công, kinh doanh, nên dù đã nỗ lực nhiều, áp dụng nhiều giải pháp, kể cả tăng cường chuyển đổi số, nhưng chúng tôi đến nay mới đạt khoảng 40% mục tiêu đề ra. Kết quả kinh doanh kém khả quan này khiến ban lãnh đạo công ty chịu rất nhiều áp lực…”, vị đại diện doanh nghiệp nói và cho biết thêm, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn không cắt giảm nhân sự, không giảm lương, song việc không có dòng tiền đang đặt doanh nghiệp trước những khó khăn mới, trong đó có cả những khó khăn mang tính thời điểm rất nhạy cảm.

“Có nhiều lao động đến kỳ tăng lương, nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện được theo quy định. Người lao động thì cũng có người hiểu, cảm thông và chia sẻ, nhưng cũng có người dao động, chán nản. Để duy trì được bộ máy, ổn định nhân sự, việc bổ sung nguồn tài chính là rất cấp bách, song tới nay vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ”, vị đại diện trên chia sẻ thêm.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group cho biết, năm 2021, Công ty chỉ có thể hoàn thành được khoảng 60% mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các nhà đầu tư bị hạn chế đi lại và không thể trực tiếp xem được sản phẩm, dự án, từ đó dẫn đến sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Nhà phố vùng ven còn được săn đón trong năm 2022.

Lợi thế nguồn cung

Dịch Covid-19 vẫn đang cho thấy những tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, nhưng cũng có thể nói đã mang tới cơ hội nhất định cho những chủ đầu tư có nguồn hàng tốt và sẵn sàng đưa ra thị trường.

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, 2021 là một năm đặc biệt, dù kế hoạch đề ra từ đầu năm không đạt được, nhưng kết quả kinh doanh cũng “không đến nỗi nào”. Theo ông Thiện, câu nói “trong cái rủi có cái may” thật đúng với Trần Anh Group lúc này, khi trong năm 2021, doanh nghiệp gần như “đóng băng” trong 2 quý đầu năm do dịch tái bùng phát mạnh mẽ, thế nhưng sau giãn cách, sản phẩm nhà phố vùng ven của Trần Anh lại trở thành hàng “hot”, mang lại doanh thu tốt cho Công ty nhờ sẵn nguồn cung. Nhận định về xu hướng thị trường năm 2022, ông Thiện cho rằng, phân khúc nhà phố tại vùng ven vẫn sẽ được săn đón.

“Dịch bệnh chưa được xử lý dứt điểm, cho nên nhu cầu tìm kiếm nhà ở có diện tích rộng, không khí trong lành mà không quá xa thành phố chắc chắn sẽ tăng lên mạnh mẽ và trên thực tế, xu hướng này đã định hình khá rõ nét từ cuối năm 2021. Theo đó, các dự án nhà phố ở khu vực lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai, thậm chí xa hơn một chút là Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hút mạnh dòng tiền”, ông Thiện dự báo.

2021 - Năm bản lề của chuyển đổi số

Dù trải qua một năm nhiều khó khăn, nhưng theo chia sẻ của nhiều thành viên thị trường, 2021 là năm thực hiện chuyển đổi số rất thành công.

"Đa phần nhà phố và biệt thự của Trần Anh Group được xây dựng sẵn và quy hoạch đồng bộ, từ hệ thống đường nội khu, hệ thống điện, nước… đến không gian nhà ở, đặc biệt là không gian xanh, đáp ứng được nhu cầu sinh sống ở những nơi thoáng đãng, trong lành, đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch và nhất là có thể về ở ngay mà không cần chờ đợi lâu, nên các sản phẩm của Trần Anh được thị trường đón nhận" ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết.

Ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco cho hay, điểm thành công nhất trong năm 2021 chính là công tác chuyển đổi số, khó khăn từ dịch bệnh đã thúc đẩy Hateco chuyển mình nhanh và mạnh mẽ hơn.

Theo ông Tuấn, công tác chuyển đổi số được Hateco Group thực hiện ở hầu hết các hoạt động. Nếu trước đây, chuyển đổi số mới chỉ được thực hiện một phần, ở một số dịch vụ nền tảng để khai thác sản xuất thì năm 2021 là câu chuyện chuyển đổi toàn diện, từ công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư… tới tiếp cận khách hàng, đối tác hay hệ thống dữ liệu đều được số hóa một cách đồng bộ.

“Không chỉ với Hateco Group, mà với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, theo quan sát của tôi, năm 2021 là năm chuyển đổi số thực sự tạo nên động lực để doanh nghiệp chuyển mình. Doanh nghiệp nào chưa hoàn thiện thì phải hoàn thiện, doanh nghiệp nào chưa chuyển đổi thì phải gồng mình chuyển đổi vì đây đã là yêu cầu bắt buộc”, ông Tuấn nói, đồng thời cho biết thêm, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, logistics, nên nhà đầu tư vẫn cần phải “mục sở thị” sản phẩm, dự án trước khi chính thức quyết định đầu tư và chuyển đổi số đã giúp Hateco đã hạn chế đáng kể tác động của giãn cách xã hội.

“Trước khi quyết định thuê địa điểm trong khu công nghiệp, vấn đề nhà đầu tư quan tâm không chỉ là giá thuê, diện tích, vị trí, kết nối, mà còn cả câu chuyện về nguồn cung và chất lượng nhân lực, các điều kiện về hậu cần, kho bãi, hạ tầng, tình hình kinh tế - xã hội địa phương…, mà những yếu tố này nhà đầu tư đều muốn trực tiếp kiểm tra, khảo sát… và chuyển đổi số mạnh mẽ giúp chúng tôi tăng khả năng tương tác với khách thuê để ra quyết định nhanh hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Quyết định đúng đắn trong triển khai chuyển đổi số cũng là điểm Chủ tịch AVLand Group Giáp Văn Kiểm tỏ ra hài lòng khi chia sẻ với phóng viên. Theo ông Kiểm, trước đây, nhiều khi doanh nghiệp còn chần chừ, nhưng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng ngày một khó lường khiến việc chuyển đổi số trở nên cấp bách. Năm 2020, có giai đoạn tất cả các văn phòng, chi nhánh của AVLand Group phải đóng cửa do giãn cách, nhưng sang năm 2021, khi đã chuyển đổi số thành công, các hoạt động diễn ra bình thường với chế độ làm việc từ xa.

“Với AVLand Group, công tác chuyển đổi số được tập trung ở 3 mảng chính: Tìm kiếm khách hàng, giao dịch; quản trị, vận hành doanh nghiệp và tài chính, kế toán. Chỉ tính riêng phần mềm quản lý khách hàng, quản trị nhân sự, tài chính - kế toán, chi phí đã vào khoảng 7 tỷ đồng”, ông Kiểm nói, đồng thời chia sẻ thêm, thành công của chuyển đổi số còn được thể hiện qua việc tạo được thói quen mới cho cả người lao động và khách hàng và hiện tại, dù bình thường mới trở lại, nhưng nhiều hoạt động vẫn được thực hiện online để tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

(Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829