Đang tải ...
  
Kinh doanh Bất động sản

Thứ tư, 08/06/2022, 10:30

Doanh nghiệp bất động sản hụt vốn

Việc kiểm soát chặt thị trường trái phiếu cùng với thủ tục đầu tư dự án còn nhiều điểm nghẽn đã khiến nguồn vốn vào thị trường địa ốc “hụt hơi”.

Trái phiếu và tín dụng ngân hàng là “phao” vốn cho các doanh nghiệp bất động sản trong các năm qua.

Hụt vốn ở trái phiếu và cả tín dụng ngân hàng

Báo cáo của CTCP FiinGroup cho biết, 51% cơ cấu nguồn vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đến từ các nguồn vốn khác bao gồm các khoản vay nợ nước ngoài, hợp tác đầu tư và các nguồn khác. Còn lại, 14% đến từ vay ngân hàng, 17% đến từ vay trái phiếu và 18% đến từ khách hàng trả tiền trước.

Theo FiinGroup, ngành bất động sản dân cư là một trong các ngành có dự báo kết quả kinh doanh “đi ngang” trong năm 2022. Việc chậm triển khai dự án do Covid-19 và thủ tục pháp lý dự án, sản lượng căn hộ bán được giảm còn khoảng 30% và giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm cũng cho thấy sức khỏe tín dụng  của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang suy giảm.

Trên thực tế, theo các chuyên gia trái phiếu và tín dụng ngân hàng là “phao” vốn cho các doanh nghiệp bất động sản trong các năm qua.

Song, báo cáo mới đây của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cũng cho thấy vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp doanh nghiệp không còn mấy thuận lợi.

Đơn cử trong tháng 4 chỉ ghi nhận 820 tỉ đồng được phát hành. Qua tháng 5, lượng phát hành trái phiếu của các DN BĐS trong tuần cuối tháng 5 đã sụt giảm mạnh, chiếm tỷ trọng chưa đến 30% tổng giá trị phát hành trên thị trường. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Trong khi đó, về nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng cũng sụt giảm. Tính đến hết quý 1, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm, tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành đối với nền kinh tế trên 5%.

Cơ cấu tín dụng đối với bất động sản phân khúc cho vay nhà ở ước đạt 65% (1,45 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 35% (780.000 tỉ đồng).

Đáng chú ý, trong 2 tháng kể từ khi NH Nhà nước có công văn yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS thì việc vay vốn của cá nhân và DN trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn. Nhiều NH trả hồ sơ với lý do hết quota tín dụng. Chưa có thống kê cụ thể nhưng chỉ cần các NH giảm 1% tín dụng cho vay BĐS, lượng vốn chảy vào thị trường này bị hụt vài chục ngàn tỉ đồng.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết căn cứ vào Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014 quy định chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% mức đầu tư dự án có sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% mức đầu tư dự án có sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Điều này có nghĩa là, chủ đầu tư có thể cần phải huy động vốn 80 - 85% tổng mức đầu tư của dự án có sử dụng đất.

Thực tế, trong giai đoạn chưa đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư rất cần các nguồn vốn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Không thể siết quá đà dòng vốn

Theo HoREA để xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định và bền vững, cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường cùng phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, trong bối cảnh đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nhiều dự án có nguy cơ đứng hình vì thiếu vốn.

HoREA kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng cho rằng, không vì số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản lỗ thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nhưng không có hoạt động kinh doanh bất động sản thì lại được hạch toán tổng hợp.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá vai trò của thị trường BĐS, để lĩnh vực này luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển trong dài hạn; đồng thời, giám sát để thị trường BĐS phát triển bền vững, hạn chế tình trạng đầu cơ, phát triển thiếu quy hoạch, tạo sốt đất ảo...

Ghi nhận thực tế của thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường BĐS lành mạnh, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS...) đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-dia-oc-hut-von-224630.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829