Thứ ba, 13/05/2025, 17:30
Đến hẹn lại… giải cứu nông sản!?
Năm nào chúng ta cũng gặp cảnh phát động phong trào "giải cứu nông sản" ở khắp nơi. Vậy nguyên nhân là gì, và tại sao nhiều năm nay người nông dân luôn bị tồn đọng nông sản, không bán được và phải kêu gọi cộng đồng "giải cứu"?
Mấy năm trước, cứ đến mùa cam là anh bạn thân rủ cả đám bạn chúng tôi, dâu rể con cái lên vườn cam nhà anh ở Cao Phong oánh chén no nê, cam tráng miệng tại vườn, muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Lúc về mỗi đứa lại được cho 1 bao tải cam, 1 bao tải cỡ 50kg, và là cho nhé, không phải giải cứu gì sất.
Bởi một lẽ, khi bắt đầu trồng anh quyết tâm theo “trường phái” oganic, tức là trồng sạch, không dùng hoá chất, với mong muốn cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe tới người tiêu dùng. Nhưng để trồng được theo kiểu thuận tự nhiên như nhà anh, công chăm sóc cực kỳ mất sức và tốn kém.
Thế nên, trái cam đến tay người tiêu dùng lại đắt gấp rưỡi, gấp đôi cam nhà hàng xóm, hay cả vùng trồng, chưa kể đến trái thường có vỏ xấu, quả nhỏ, nhìn không nịnh mắt. Nhưng lại cực kỳ ngon, ngọt.
Thế nhưng, chả bán được. Lý do thì như đã nói, trái nhìn xấu, không bắt mắt. Người mua thì lúc nào cũng muốn phải chọn được quả vỏ đẹp, đều tăm tắp. Tâm lý chung là vậy, hơn nữa mua về nhỡ có mang đi cho, biếu thì cũng phải là loại có hình thức đẹp một chút, chứ cho mấy quả cam mà vỏ rám, nhỏ như trái chanh, khéo còn bị mắng cho là keo kiệt.
Và quan trọng là đắt quá, chẳng ai chọn mua nhà anh khi giá lên tới 40-50 ngàn/1kg, thậm chí có lúc giá còn cao hơn, trong khi hàng xóm hay dọc ngoài đường quốc lộ, người ta bán chỉ có 10-15 ngàn/1kg.
Vậy là sau vài năm gây vườn, thêm vài năm gắng gượng thu hoạch mà chẳng bán được mấy, vốn liếng cứ đội nón ra đi, còn vợ con thì chì chiết cách làm hao tiền tốn của ấy của anh. Ai mà quan tâm, ai mà biết anh trồng cam sạch? Người ta chỉ biết anh bán đắt hơn thị trường nhiều quá, vậy là không mua thôi.
Anh đành phải dừng việc trồng cam. Cả vườn mấy hecta bỏ cho cỏ mọc lút đầu, đến mùa còn trái nào thì rủ bạn bè lên mà ăn cho vui, có sức bao nhiêu mang về bấy nhiêu.
Ảnh minh họa.
Trở lại chuyện “giải cứu nông sản”. Nhiều năm trở lại đây, chúng ta đã khá quen với khái niệm này. Cứ đến mùa thu hoạch một loại nông sản nào đấy, y như rằng ta sẽ thấy xuất hiện lời kêu gọi “giải cứu”. Khi thì giải cứu dưa hấu, lúc lại cam, rồi đến ngô khoai sắn… v.v và v.v…
Còn nhớ khi mới bắt đầu xuất hiện phong trào “giải cứu nông sản”, chắc cũng cỡ chục năm về trước, thật rầm rộ.
Cũng bởi chúng ta thường có tâm lý đùm bọc, thương cảm cho người nông dân chân lấm tay bùn, cả năm mới có một mùa thu hoạch mà lại chẳng bán được, để quá vài hôm là hỏng, là thối, tất lẽ cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy là người người, nhà nhà, các hội nhóm, đoàn thể thi nhau phát động phong trào giải cứu.
Đắt cũng mua, rẻ cũng mua, ít cũng mua, nhiều càng mua, mua về không dùng hết thì đem cho… hàng xóm.
Phong trào thành công rực rỡ. Bà con nông dân cũng bớt khổ vì giải phóng được vụ mùa. Thế là từ ấy thành quen, năm nào cũng có vài ba vụ giải cứu như thế.
Ảnh minh họa.
Nhưng rồi cái gì mãi cũng thành có vấn đề. Ở ta là vậy. Bây giờ bất kể mùa nào, vụ gì, cứ ra đường là thấy hàng xe tải, xe to xe nhỏ chở đầy ăm ắp hoa quả bán lề đường với dòng chữ nguệch ngoạc: “Giải cứu…”.
Thế là người ta đặt vấn đề, liệu có hay không việc lạm dụng phong trào này, để trở thành một phương thức bán hàng nhanh chóng, của những người buôn bán? Họ chẳng phải nông dân, cũng không hề trồng trọt gì để mà bị tồn đọng hàng hóa mà cần giải cứu.
Đơn giản, chỉ vì người ta “tìm ra cách” để mà bán hàng, lợi dụng lòng tốt của xã hội mà thôi.
Còn người nông dân. Năm nào chúng ta cũng thấy họ bị tồn đọng nông sản. Chủ yếu là những loại xuất khẩu, và gần như chỉ phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, là Trung Quốc.
Khi thị trường này có nhu cầu, họ mua ồ ạt, bất kể tốt xấu đều mua hết, dẫn đến việc người nông dân thi nhau vay tiền ngân hàng đầu tư, trồng trọt, mở rộng việc canh tác. Nhưng chẳng có cam kết nào về đầu ra.
Mạnh ai nấy bán, không có điều gì đảm bảo cho họ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Những cơ quan chức năng có liên quan lại quá chậm trễ trong việc hướng dẫn bà con cần phải trồng gì cho hợp với thị trường, hay có những biện pháp để đảm bảo việc trồng nông sản không thành phong trào… thiếu hiểu biết về thị trường.
Chưa kể đến việc, theo thói quen trồng trọt nhiều năm qua, cũng như sự lơi lỏng của các cơ quan liên quan, người nông dân lạm dụng hóa chất trong trồng trọt, từ thuốc diệt cỏ, trừ sâu… khiến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, và thậm chí của chính người trồng.
Từ đó tồn đọng, và phải… nhờ người tiêu dùng trong nước “giải cứu”, như cách chúng ta thường thấy.
Nhưng câu chuyện đặt ra là: Giải cứu bằng tấm lòng, nhưng sản phẩm kém chất lượng, độc hại như thế, đương nhiên bán ra nước ngoài không nổi, sao lại nỡ quay lại bán cho đồng bào của mình?
(Nguồn: vovgiaothong.vn)
Link gốc: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/den-hen-lai-giai-cuu-nong-san-d44760.html