Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ bảy, 14/10/2023, 09:00

Đà Nẵng mưa rất to, ngập lụt cục bộ trên diện rộng

Trong ngày 13/10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất to, đặc biệt là vào chiều cùng ngày gây ngập lụt cục bộ trên diện rộng tại quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ... nhưng nước rút nhanh sau khi ngớt mưa.

Một đoạn đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) bị ngập cục bộ vào chiều 13/10. Ảnh: HOÀNG HIỆP.

Tập trung ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Lũ trên sông Cu Đê dâng lên gây ngập đường tràn vào thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) từ trưa cùng ngày. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh, một số điểm trũng thấp như đường Yên Thế, Nguyễn Nhàn, Cống Quỳnh, đường Thăng Long đoạn dưới cầu Đỏ và cầu đường sắt Phong Lệ bị ngập nhưng nước rút dần. Nhiều tiểu thương chợ Hòa Cầm và chợ Hòa An phải đưa hàng hóa lên cao hoặc chở về nhà để tránh ngập.

Các lực lượng của quận và các phường túc trực, sẵn sàng ứng phó với ngập lụt. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho biết: “Trên địa bàn quận có một số khu vực dân cư trũng thấp bị ngập sâu 40-50cm. Các đoạn đường thường hay ngập thì ngập 30-40cm. Nhìn chung, ngập úng là cục bộ, không ảnh hưởng nhiều, khi ngớt mưa thì nước rút nhanh. Một số hộ dân tại khu vực đường Mẹ Suốt được sơ tán đến nhà cao hơn để tránh ngập”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, tình hình ngập úng cục bộ trên địa bàn quận giảm so với trước. Riêng khu vực kiệt ở đường Trưng Nữ Vương bị ảnh hưởng bởi việc điều tiết từ hồ Ba Sen Vàng và lưu vực Sân bay Đà Nẵng thì tình hình ngập úng chưa được cải thiện nhiều.

Từ trưa cùng ngày, nhận định sớm xuất hiện mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố thành phố đã ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Theo đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai sơ tán người dân theo phương án đã được phê duyệt. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, ngập lụt đô thị và chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình, triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang…

Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống sạt lở đất đá; các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn người và tài sản.

Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ nay đến ngày 15/10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ chiều 15/10 đến hết ngày 17/10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Thành phố cần đề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị. Từ nay đến ngày 17/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên thượng nguồn sông Vu Gia từ 3-5m, hạ lưu từ 0,5-1m; đỉnh lũ trên sông Vu Gia và các sông thuộc Đà Nẵng ở mức dưới báo động 1 đến báo động 1.

Lực lượng Thanh tra giao thông hướng dẫn các phương tiện lưu thông tại quận Thanh Khê ngày 13-10. Ảnh: THÀNH LÂN.

Vào khoảng 13 giờ 50 ngày 13/10, taluy dương đèo Hải Vân (địa phận Đà Nẵng) tại Km 905+600 bị sạt lở. Theo đó, điểm sạt lở này chính là vị trí bị sạt lở do mưa bão vào năm 2022. Qua ghi nhận, ngoài đất đá gây tràn lấp mặt đường, các khung sắt gia cố ta luy dương cũng đổ sập xuống gây tắc đường hoàn toàn. Lực lượng chức năng của Văn phòng quản lý đường bộ III.1 (Khu Quản lý đường bộ III) đã có mặt tại vị trí sạt lở phối hợp các đơn vị chức năng điều động phương tiện chuyên dụng, chờ ngớt mưa tổ chức dọn. Hiện khối lượng sạt lở vẫn chưa được thống kê cụ thể.

Bên cạnh đó, Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) cửa ô Hòa Hiệp (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố) đã cắt cử lực lượng tổ chức phân luồng giao thông, không cho người và phương tiện lên đèo Hải Vân. Cụ thể, chốt chặn ở một số điểm như: đường Tạ Quang Bửu, đường tránh nam hầm Hải Vân và tại chân đèo Hải Vân. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức chốt chặn, không cho phương tiện lên đèo từ phía Bắc. CSGT tại hai đầu đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã thông báo tạm ngưng các phương tiện không cho lưu thông qua đèo do hàng trăm khối đất đá bị mưa lớn gây sạt lở.

Xí nghiệp Quản lý Vận hành Hầm Đường bộ Hải Vân cho biết tại Km 905+600 đèo Hải Vân (địa bàn Đà Nẵng) xảy ra sạt lở, khiến hàng trăm khối đất đá tràn xuống đèo gây ách tắc giao thông. Theo đại diện Xí nghiệp Quản lý Vận hành Hầm Đường bộ Hải Vân, ngay khi nắm thông tin sạt lở, đơn vị đã báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông tại hai đầu đèo thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng để kịp thời thông báo, ngăn chặn các phương tiện không cho lưu thông qua đèo. Đơn vị đã huy động máy múc, máy ủi, nhân lực tiến hành dọn dẹp mặt bằng để sớm thông tuyến.

Theo Xí nghiệp Quản lý Vận hành Hầm Đường bộ Hải Vân, để tạm thời khắc phục đơn vị dùng bao cát nắn dòng, ngăn nước từ mặt đường đỉnh taluy không chảy vào taluy bị sạt trượt; xác định thời tiết còn mưa kéo dài nên ưu tiên phủ bạt taluy bị sạt, không để nước mưa ngấm thêm vào taluy. Sau khi kiểm tra an toàn, ổn định mái taluy đơn vị sẽ dọn dẹp mặt đường bên dưới và đặt các biển cảnh báo cho các phương tiện lưu thông.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các phương tiện lưu thông từ Bắc - Nam đến ngã ba La Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nhập vào đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên. Hoặc đến Lăng Cô (Phú Lộc) đi vào hầm Hải Vân. Xe máy được lực lượng chức năng hầm trung chuyển bằng dịch vụ. Tương tự, các phương tiện đi từ hướng Nam - Bắc khi đến đường tránh nam Hầm Hải Vân sẽ rẽ vào nút giao Hòa Liên để lưu thông trên tuyến Hòa Liên - La Sơn hoặc qua hầm đường bộ Hải Vân về Lăng Cô, Phú Lộc.

Trường học chủ động ứng phó mưa lớn

Mưa lớn kéo dài trên địa bàn thành phố trong sáng 13/10 khiến một số tuyến đường ngập cục bộ, việc đưa đón học sinh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có thông báo khẩn cho học sinh các cấp nghỉ học chiều 13/10.

Ngay sau khi có công văn của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT quận, huyện và các trường, đơn vị trực thuộc đã thông báo đến phụ huynh, học sinh. Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, với các trường tiểu học có tổ chức bán trú và trường mầm non, Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường liên hệ với phụ huynh để đón trẻ vào khoảng 15 giờ.

Những trường hợp phụ huynh không thể thu xếp công việc để đón con vào khung giờ này, nhà trường phải phân công giáo viên quản lý học sinh tại trường. “Trên địa bàn huyện có một số trường hay bị ngập hoặc nằm trên tuyến đường hay ngập như: Tiểu học Lâm Quang Thự, THCS Phạm Văn Đồng, THCS Trần Quốc Tuấn. Hiện các trường học ở địa bàn huyện Hòa Vang chưa có trường nào bị ngập”, ông Hoàng thông tin.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, đối với các học sinh học buổi chiều đã đến trường vì chưa nhận được thông tin nghỉ học, phòng GD&ĐT thông báo đến các hiệu trưởng nhắc nhở quản lý an toàn học sinh. Cũng theo bà Chinh, lâu nay, hiệu trưởng các trường trên địa bàn quận vẫn chủ động yêu cầu cha mẹ học sinh cho con nghỉ học hoặc chủ động đón con về sớm nếu không an toàn, không cần đến khi có văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

“Trong sáng 13/10, tôi đã thông báo lên nhóm các hiệu trưởng, đối với trường mầm non, tiểu học, nhà trường thông báo cho phụ huynh chủ động đón con sớm; đối với bậc THCS dù chưa có công văn của Sở GD&ĐT, các trường phải thông báo cho cha mẹ học sinh nếu tình hình mưa ngập không an toàn thì cha mẹ học sinh chủ động cho con nghỉ học”, bà Chinh thông tin.

Ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cũng cho hay, trên địa bàn quận có Trường THCS Nguyễn Huệ, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu nằm trên tuyến đường hay bị ngập sâu khi mưa lớn. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, qua đợt mưa này, Phòng GD&ĐT sẽ xem xét, đánh giá và xin ý kiến để các trường có thể chủ động hơn trong việc cho học sinh nghỉ học nhằm ứng phó kịp thời khi mưa, bão.

Sở GD&ĐT cũng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị trường học nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, lãnh đạo địa phương về công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt; thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiêu kênh thông tin đê chủ động ứng phó an toàn, giảm nhiều thiệt hại do mưa lớn gây ra. Trong trường hợp diễn biến tình hình thời tiết còn phức tạp, kéo dài, Sở GD&ĐT sẽ có thông báo khẩn tiếp theo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh.

(Nguồn: Đà Nẵng Online).

Link gốc: https://www.baodanang.vn/xa-hoi/202310/mua-rat-to-ngap-lut-cuc-bo-tren-dien-rong-3958198/

Chia sẻ

Xem nhiều

Giá dừa tươi biến động như 'giá vàng'

Bắt được càng đước 'khủng' tại sông Vàm Cỏ, Tiền Giang

Quảng Bình: 2 tàu cá bị chìm trên biển, nhiều ngư dân mất tích

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829