Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ hai, 17/10/2022, 09:30

'Cụ da' ngót 5 thế kỷ ở biên giới

An Giang - Có người nói, “cụ da” ở thị trấn Long Bình (huyện An Phú) chừng hơn 300 tuổi, rồi cũng có số liệu nói “cụ” gần 400 tuổi rồi. Tuy nhiên, kệ thời gian, ước lượng của con người, “cụ” cứ bình thản mà trụ vững ở miền biên giới, chứng kiến sự đổi thay của xứ sở này...

Muốn đến chiêm ngưỡng cây da cổ thụ, hỏi người dân thị trấn, ai cũng chỉ đường nhiệt tình. Khách đường xa sẽ không cảm thấy thất vọng đâu. Cây da gây choáng ngợp ngay từ ánh nhìn đầu tiên, bởi sự xanh tốt hòa lẫn nét rêu phong.

Chỉ một nhánh nhỏ của gốc cây đã to lớn thế này, một người trưởng thành ôm không giáp. Phía trong còn những hốc rộng, là nơi lý tưởng để khám phá, chụp ảnh “check-in” sống ảo.

“Cụ” lớn tuổi, chứ lá mơn mởn trẻ trung, nhìn mát mắt vô cùng, đối lập hoàn toàn với vết sần sùi thời gian trên thân. Mấy cụ lớn tuổi ở xứ này kể lại, hồi xưa, hễ vào tháng 2 âm lịch, cây mọc lá xanh um sau thời gian trụi lá. Mà ngộ lắm, mỗi lần như vậy, trời lại mưa. Nông dân cứ theo đó mà xuống giống lúa, không sai lệch vụ mùa.

Bất kỳ góc nào trên cây cũng níu mắt người nhìn. Thời gian in hằn dấu vết chi chít trên thân cây, khiến con người cảm thấy cuộc sống, trải nghiệm của  mình bé nhỏ và ngắn ngủi lắm, chẳng thấm tháp gì với cây da 4-5 thế kỷ này.

Một tượng Phật được đặt ở góc nhỏ lưng chừng thân cây, cũng dần phủ màu thời gian. Tượng Phật cùng với 2 miếu thờ quanh cây da khiến chuyện tâm linh ở đây càng đậm nét. Người dân địa phương truyền miệng nhau hàng trăm minh chứng để khẳng định “cụ” rất thiêng. Từ việc ai mất gì, cứ ghé đây cầu khấn, đến chuyện cây che chở làng quê hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác… đủ cả. Chỉ sợ khách thiếu kiên nhẫn nghe, chứ người dân chẳng tiếc công kể!

Cây cũng có những vết xước đau lòng. Chiến tranh, cây mang đầy thương tích. Vết thương được sức sống của cây bao bọc lại. Vài chục năm sau, cây già hơn một chút, lá nặng oằn nhánh, gặp thêm mưa giông quật tả tơi ngay vết sẹo cũ.

Thế là hết nhánh này tới nhánh khác buông mình. Mới mấy hôm trước, giông bứt lìa 2 nhánh cây. Nhánh nào bị gãy, người dân xin về làm thuốc, nghe nói trị tiểu đường tốt lắm.

Ông Nguyễn Văn Hòa (63 tuổi) tự hào về cây da này lắm, vì cây mọc trong đất ông bà tổ tiên mình. Con cháu trong gia tộc, trong đó có ông, cứ hay ra đây dọn dẹp 2 miếu thờ, nhìn cây để tưởng nhớ ông bà đã khuất, để nhớ mấy mươi năm cuộc đời đã trải qua xoay quanh cây.

Cây còn dùng bóng mát rợp một khoảnh đất rộng, che chở con người. Ông Nguyễn Hồng Tâm (75 tuổi) và vợ (Nguyễn Thị Cua, 70 tuổi) nghỉ chân dưới gốc cây, trốn nắng nóng ban trưa. Ông say sưa kể chuyện đời mình gắn bó với cây.

“Thời chiến tranh loạn lạc, 3-4 người đi chân không, chạy vào bọng cây, được ví như “chiếc xuồng”, người ngoài kiếm hoài chẳng thấy. Nước ngập linh binh, tôi cùng nhóm bạn rủ nhau chơi trốn tìm với “ông Tà” (một hòn đá được thờ cúng tại miếu cạnh cây da). Ai chạm vào cục đá trước, lôi “ông” lên khỏi mặt nước sẽ thắng” – ông bật cười.

Nhớ chuyện xưa, rồi họ phải sống với chuyện nay. Tảo tần cả đời, họ vẫn chưa thoát được cảnh khổ. Mấy tháng rồi, ông bà được người ta cho cây. Ông kéo về, bửa ra từng khúc, bà chất lên xe, rồi ông lại chở đi bán. Giá mỗi thước củi 120.000 đồng, ông xin thêm tiền công chở 20.000 – 30.000 đồng/chuyến, tùy theo xa gần.

Tuổi già oằn nặng lưng, họ vẫn phải làm việc nặng mưu sinh. Đứa con trai duy nhất của họ đi làm công nhân vệ sinh ở TP. Hồ Chí Minh, gửi cháu cho ông bà chăm sóc. Trẻ tuổi, nhưng người con trai ấy cứ bệnh hoài. Ông bà kêu con về quê, hốt thuốc nam uống. Người trẻ lừng khừng chưa muốn về, người già xót con. Bà Cua buông lời: “Về đây, thiếu gì việc làm, sao cứ bôn ba ở xa hoài! Biết chừng nào vợ chồng tôi mới gần gũi con cháu, bớt cực thân cực tâm!”.

Cây da lại chứng kiến những đứa trẻ mới lớn lên, vui đùa bên cạnh mình, như vòng tuần hoàn bất tận. Tụi nhỏ sáng tạo nhiều trò chơi mới, thỏa sức nghịch phá, chạm vào cuộc sống một cách thích thú.

Rồi đây, những đứa trẻ sẽ trưởng thành, có thể đi xa lập nghiệp. Nhưng nụ cười, ánh mắt thơ ngây và ký ức thời thơ ấu ở làng quê, cạnh cây da cổ thụ đặc biệt nào dễ phôi phai!

(Nguồn: baoangiang.com.vn)

Link gốc: https://baoangiang.com.vn/-cu-da-ngot-5-the-ky-o-bien-gioi-a345460.html

Chia sẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829