Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 12/08/2022, 07:00

Cô gái người Lạch đưa cà phê vùng Langbiang đến với châu Âu

Yêu thích vị cà phê đặc trưng của vùng núi Langbiang, Krajăn Lim cùng chồng ngoại quốc đã tỉ mỉ sản xuất để sử dụng và rồi…xuất khẩu qua châu Âu.

Krajăn Lim là cô gái 25 tuổi, người dân tộc Lạch và kết hôn cùng anh Marian Takac (35 tuổi, quốc tịch Slovakia). Hiện nay, vợ chồng Krajăn Lim có cuộc sống hạnh phúc tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Krajăn Lim cùng chồng Marian Takac có cuộc sống hạnh phúc tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Trong ngôi nhà nhỏ, anh Marian Takac đến "quầy bar" dùng muỗng múc bột cà phê đổ vào phễu giấy lọc rồi chiết nước sôi để pha chế. Dòng cà phê đen chậm rãi chảy xuống ấm thủy tinh và căn nhà nhỏ cũng sực nức mùi cà phê khiến không gian trở nên yên bình, ấm áp.

Vừa thay chồng mời khách dùng thử cà phê, Krajăn Lim vừa tâm sự, khi học hết cấp 3, chị ở nhà và cùng cha mẹ làm rẫy, trồng cà phê. Vì muốn giao tiếp với khách du lịch nước ngoài nên những lúc rảnh, Lim lên mạng xã hội và gia nhập vào các hội nhóm học tiếng Anh.

Trong một lần học, Lim tương tác trực tiếp với Marian và kể từ đó, cùng với việc trao đổi trình độ chuyên môn, họ cùng nhau tâm sự về mọi điều trong cuộc sống. Lim kể lại: "Hồi đó, Marian là kỹ sư công nghệ thông tin và đang du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa). Khi du lịch, Marian lên mạng dạy tiếng Anh để cải thiện thu nhập và rồi…hai người đã gặp nhau".

Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, anh Marian và vợ bắt tay vào sản xuất cà phê và được thị trường đón nhận. Ảnh: Minh Hậu. 

"Ban đầu Marian không biết uống cà phê nhưng vì câu chuyện hàng ngày giữa hai người thường nhắc đến thức uống này nên khi gặp nhau ở Nha Trang, anh ấy đã quyết dùng thử và nghiền luôn", Krajăn Lim thổ lộ. Cùng với hương vị cà phê, tình cảm của cô gái người Lạch và chàng trai ngoại quốc cứ thế đằm thắm theo thời gian. Năm 2018, Marian quyết định ở lại Việt Nam, kết hôn cùng Lim và bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất, chế biến cà phê.

Marian kể, cà phê là một trong những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, tuy nhiên mỗi quán cà phê, mỗi cơ sở sản xuất lại có công thức chế biến và chiết xuất khác nhau. Hương vị của thức uống này vì thế cũng "mỗi nơi mỗi kiểu". Do vậy, anh đã học hỏi và đi đến sản xuất cà phê mộc để sử dụng rồi phổ biến ra thị trường.

Ngày mới bắt tay vào chế biến, vợ chồng Marian phải gặp nhiều người, tham khảo nhiều tài liệu để nắm bắt các quy trình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng cặp vợ chồng Lim – Marian cũng thành công với sản phẩm cà phê Arabica nguyên chất. 

Hiện nay, vợ chồng Lim – Marian đã liên kết với 20 hộ dân đồng bào dân tộc Lạch, K'Ho, Cil... ở Lạc Dương để sản xuất cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, vợ chồng Marian thu hoạch trái chín 100% sau đó rửa sạch, tách vỏ và phơi trong nhà kính với nhiệt độ giao động từ 30-50 độ C. Trong quá trình phơi, hạt cà phê được đo nhiệt độ, độ ẩm thường xuyên bằng thiết bị điện tử. Khi nhân cà phê đạt tiêu chuẩn thì được chuyển qua khâu chế biến và đóng gói.

Sản phẩm cà phê Arabica của vợ chồng Lim – Marian hiện nay đã được thị trường đón nhận. Đặc biệt, sản phẩm này đã được nhiều đối tác tại quê hương của Marian ký hợp đồng bao tiêu. Vui hơn khi từ năm 2020 đến nay, mỗi năm vợ chồng Lim – Marian xuất khẩu 8 tấn cà phê thành phẩm qua các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, vợ chồng Lim – Marian đã liên kết sản xuất với 20 hộ dân là đồng bào dân tộc Lạch, K'Ho, Cil… với tổng diện tích trên 20ha tại vùng Lạc Dương. Vợ chồng Marian cũng đưa ra quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại để nguồn nguyên liệu được đảm bảo.

Để thu hút các hộ dân liên kết trồng cà phê, vợ chồng Lim – Marian đã mua cà phê của các hộ dân liên kết với giá cao hơn giá thị trường. "Cùng với việc chế biến cà phê Arabica xuất khẩu qua châu Âu, chúng tôi đang sản xuất thêm sản phẩm trà từ vỏ cà phê để đáp ứng nhu cầu thị trường", chị Krajăn Lim thổ lộ.

Để phát triển bền vững, vợ chồng chị Krajăn Lim, Marian Takac đã đăng ký thương hiệu cho cà phê chất lượng cao của mình với tên Zanya Coffee. Theo Marian, Zanya có ý nghĩa người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp và có sức mạnh, yêu thương gia đình.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Link gốc: https://nongnghiep.vn/co-gai-nguoi-lach-dua-ca-phe-vung-langbiang-den-voi-chau-au-d329683.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829