Thứ ba, 22/03/2022, 16:30
Tiêu chí chọn ngành, trường học phù hợp cho thí sinh
Ngoài việc cân nhắc về mức học phí hay môi trường học tập thì yếu tố quyết định việc chọn ngành học, trường học chính là năng lực và sở thích của từng thí sinh. Đó là chia sẻ của TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định (TP.HCM).
Định hướng nghề nghiệp là bước đầu quan trọng trước khi học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
Tiêu chí chọn ngành, chọn trường
Trao đổi về định hướng chọn ngành, chọn trường, TS Mai Đức Toàn nhấn mạnh, năng lực và sở thích phải đi đôi với nhau. Đây là yếu tố quyết định việc chọn trường và các ngành học trong tương lai. Chúng ta cần xuất phát từ cái gốc này. Ngoài ra, các bạn cần cân nhắc về điều kiện kinh tế gia đình, mức học phí có phù hợp hay không.
“Thời điểm này, việc đào tạo của các trường đại học đã khác rất nhiều so với 5-10 năm trước, các trường đã dần dịch chuyển về trình độ đào tạo nên sự chênh lệch không có nhiều”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ, đồng thời trao đổi về một số tiêu chí để thí sinh tham khảo khi chọn ngành, chọn trường.
Cụ thể, đối với trường đại học thì chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo là “xương sống”, là chất liệu để tạo nên thương hiệu của trường và tạo ra giá trị của sinh viên sau khi ra trường có việc làm tốt, có trụ được với nghề không. Khi có chương trình đào tạo tốt thì chắc chắn phải có giảng viên tốt.
Ngoài ra, việc chọn trường cũng nên quan tâm đến không gian tự học, để ngoài những giờ lên lớp, sinh viên được trải nghiệm thực tế, bổ sung kiến thức cho mình thông qua thư viện, không gian, các mối quan hệ bạn bè…Chơi mà học, kết hợp phát triển kỹ năng.
“Có những bạn, khi học phổ thông không phát hiện ra năng lực của bản thân nhưng khi lên đại học, thông qua hoạt động học và trải nghiệm từ giảng đường đã bật lên thành ngôi sao…”, TS Mai Đức Toàn viện dẫn.
TS Mai Đức Toàn (bên trái) và thầy Phạm Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lâm (Lâm Đồng) cùng chia sẻ về việc hướng nghiệp cho các học sinh lớp 12.
Tham khảo nhiều nguồn thông tin
Hiện có quá nhiều luồng thông tin khiến nhiều thí sinh bị loạn. Trước thực trạng này, TS Mai Đức Toàn khuyến nghị: Đầu tiên, tất cả các trường đại học sẽ gửi thông tin tuyển sinh tới trường phổ thông. Đây là nguồn thông tin chính thống về trường để học sinh tham khảo.
Ngoài ra, các em có thể tìm thông tin qua trang website, trên trang fanpage chính thức, kênh youtube của trường đại học mà mình muốn theo học. Nơi đó có thông tin về ngành học, chương trình học, thời gian đào tạo, học phí, môi trường học tập trải nghiệm để có hình dung cụ thể nhất.
“Chẳng hạn như chúng tôi có website, fanpage Trường Đại học Gia Định, Youtube Gia Định Channel sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích này” TS Mai Đức Toàn cho hay, đồng thời cho rằng: những buổi tư vấn của chuyên gia đến từ các trường đại học sẽ là cơ hội để các em đặt những câu hỏi trực tiếp, cụ thể nhất và được giải đáp tận tình. Những buổi tư vấn sẽ mang đến cho các em rất nhiều thông tin bổ ích, giúp các em chọn trường chọn ngành phù hợp.
Các em có thể tham gia vào các group cộng đồng của trường để hỏi kinh nghiệm của các anh chị đang học các khoa, các ngành mà các em sắp sửa chọn học. Đó sẽ là những chia sẻ xác thực nhất, gần gũi nhất giúp các em định hình được ngành nghề đó sẽ học những gì, trải nghiệm ra sao, cần kỹ năng tố chất gì để có sự chuẩn bị.
“Trường Đại học Gia Định có group cộng đồng sinh viên Gia Định với hơn 8.000 thành viên. Nơi đây không chỉ chia sẻ thông tin nhà trường mà còn là nơi giao lưu, hỏi han kinh nghiệm của các thế hệ sinh viên với nhau. Sau khi tìm hiểu thông tin, cần so sánh và đưa ra lựa chọn phù hợp dựa trên các yếu tố mà chúng tôi đã phân tích bên trên”, TS Mai Đức Toàn thông tin.
Theo TS Mai Đức Toàn, tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Gia Định mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Bên cạnh đó, trường bắt đầu tuyển sinh chương trình tài năng với 5 ngành học: Công nghệ thông tin; Quản trị kinh doanh; Kinh doanh quốc tế; Ngôn ngữ Anh; Marketing để tạo cơ hội cho các bạn học sinh giỏi có thêm nhiều kiến thức giá trị, được học với lãnh đạo để trở thành lãnh đạo.
(Nguồn: GDU)