Thứ sáu, 24/11/2023, 09:30
Chế biến chất thải dầu ăn thành nhiên liệu
Sichuan Jinshang - một doanh nghiệp tại Trung Quốc chế biến dầu mỡ đã qua sử dụng, xuất khẩu để xử lý hoàn thiện thành nhiên liệu hàng không.
Món lẩu ngập tràn dầu mỡ tại Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Tại các quán ăn, nhà hàng ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc) - nơi món lẩu với nước sốt nhiều dầu mỡ và cay nồng rất được yêu thích, thực khách khó có thể biết rằng dầu ăn dư thừa sẽ được tái chế làm nhiên liệu máy bay.
Ông Ye Bin - Tổng Giám đốc Công ty Sichuan Jinshang cho biết: "Kể từ khi công ty thành lập vào năm 2017, tổng sản lượng của chúng tôi tăng lên hằng năm. Phương châm của chúng tôi là hãy để dầu từ máng xối bay lên trời".
Hiện Công ty Sichuan Jinshang xử lý khoảng 150 nghìn tấn dầu thải hằng năm từ các nhà hàng lẩu và quán ăn khác trên khắp Thành Đô.
Hằng ngày, nhân viên phục vụ tại quán ăn, nhà hàng ở Thành Đô tập kết dầu ăn đã qua sử dụng và tiến hành xử lý bước đầu như sử dụng hệ thống bộ lọc đặc biệt tách dầu khỏi nước dùng và các tạp chất còn lại.
Sau đó, nhân viên của Công ty Sichuan Jinshang đến nhận chất dầu thải dư thừa này để vận chuyển đến nhà máy của công ty tại Thành Đô để tái chế thành loại dầu công nghiệp trong suốt, nhuốm màu vàng.
Sản phẩm sau đó được xuất khẩu cho các khách hàng chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và Singapore - nơi tiếp tục xử lý phế phẩm trên thành "nhiên liệu hàng không bền vững" (SAF) - một loại nhiên liệu phát thải ít hơn so với nhiên liệu truyền thống, là chìa khóa giảm phát thải cho ngành hàng không.
Nhân viên nhà hàng ở Thành Đô đổ nồi nước lẩu lẫn dầu xuống phễu lọc để tái chế. Ảnh: AFP.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), SAF rất quan trọng trong việc khử các bon trong lĩnh vực hàng không vốn chịu trách nhiệm cho 2% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu vào năm 2022.
Nhưng SAF hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi khi chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không được tiêu thụ do chi phí xử lý và số lượng nhà cung cấp tương đối ít.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính việc áp dụng rộng rãi SAF có thể đóng góp khoảng 65% vào việc giảm lượng khí thải mà ngành hàng không cần để đạt mức 0 vào năm 2050.
Công ty Sichuan Jinshang có kế hoạch sớm mở rộng cơ sở sản xuất SAF tái chế 300 nghìn tấn dầu ăn qua sử dụng mỗi năm thành nhiên liệu.
Nhân viên Công ty Sichuan Jinshang thu gom dầu ăn qua sử dụng. Ảnh: AFP.
Sichuan Jinshang đang góp phần giải quyết hàng núi rác thải thực phẩm do dân số 1,4 tỷ người tại Trung Quốc tạo ra.
Một nghiên cứu năm 2021 của Nature cho thấy, khoảng 350 triệu tấn nông sản - hơn 1/4 sản lượng hằng năm bị lãng phí tại Trung Quốc do các nhà hàng, siêu thị hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ nói rằng, tại các bãi chôn lấp, chất thải thực phẩm thối rữa thải ra khí mê-tan làm nóng bầu khí quyển nhanh hơn hầu hết các vật liệu khác.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề phát thải khí mê-tan và kêu gọi xây dựng các dự án xử lý chất thải thực phẩm sáng tạo trên khắp Trung Quốc trong vài năm tới.
Tại Thượng Hải, các cơ sở xử lý rác thải đô thị chỉ đủ khả năng tái chế một phần nhỏ rác thải thực phẩm mỗi năm thành phân bón và thức ăn chăn nuôi.
(Nguồn: baoquangnam.vn)
Link gốc: https://baoquangnam.vn/the-gioi/che-bien-chat-thai-dau-an-thanh-nhien-lieu-151901.html