Thứ năm, 13/06/2024, 12:30
Cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ góc độ sinh thái học
Ngày 11/6/2024, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (VQGTC) xảy ra trận cháy lớn. Các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Tháp đã nhanh chóng kiểm soát trận cháy ngay trong ngày.
Ước tính sơ bộ có khoảng 20ha rừng tràm và đồng cỏ bị ảnh hưởng, trong đó có 18ha rừng bị cháy dưới tán. Trận cháy xuất hiện gần khu dân cư nhưng rất may đã không xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Cây tràm trong khu A1 Vườn Quốc gia Tràm Chim phát triển bộ rễ khí sinh rất lớn quanh gốc cây trong điều kiện ngập úng kéo dài (tháng 4/2024) (Ảnh Trần Triết).
Lửa có hủy diệt rừng tràm?
Cây tràm tự bản thân nó là loài cây thích nghi với lửa. Thân cây tràm có lớp vỏ dầy giúp cây chống chịu được lửa rừng ở cường độ vừa phải. Lửa cháy lướt qua thường không làm chết cây và cây tràm có thể phục hồi dễ dàng khi mùa mưa đến. Lửa còn làm thúc đẩy sự phát tán và nẩy mầm của hạt tràm.
Các quan sát trước đây tại Tràm Chim cho thấy, một tỉ lệ lớn rừng tràm có thể tự phục hồi sau các trận cháy. Nhiều diện tích tràm đã tự tái sinh do phát tán hạt sau khi cháy. Cây tràm là cây mọc nhanh nên ngay ở những nơi cây tràm bị cháy hoàn toàn thì diện tích rừng cũng có thể phục hồi nhanh chóng, có khi còn cao hơn trước khi cháy.
Như vậy, cháy rừng với cường độ vừa phải không phải là hiểm họa đối với rừng tràm ở VQGTC hay các khu bảo tồn thiên nhiên khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các trận cháy giúp dọn dẹp các vật liệu gây cháy, làm giảm nguy cơ xảy ra các trận cháy lớn. Đây có thể nói là một cơ chế điều hòa của tự nhiên.
Chống cháy bằng cách cho ngập nước quanh năm – lợi bất cập hại
Gần đây, trong các năm 2008, 2010 và 2016 đã từng có những trận cháy lớn xảy ra ở VQGTC, với hàng trăm ha rừng và đồng cỏ bị ảnh hưởng trong mỗi trận cháy. Sau trận cháy năm 2016, VQGTC đã triệt để phòng, chống cháy rừng bằng cách cho giữ nước ngập cao quanh năm, liên tục đến cuối năm 2023.
Tất nhiên việc giữ nước đã rất hiệu quả trong phòng cháy rừng, bằng chứng là suốt trong thời gian 2017 - 2023 đã không hề có trận cháy nào xảy ra. Tuy nhiên, cách phòng cháy này đã mang lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho đa dạng sinh học và môi trường sinh thái của VQGTC. Nhiều loài sinh vật quý hiếm đã rời bỏ Tràm Chim vì điều kiện sống không còn phù hợp, trong đó nổi bật nhất là loài sếu đầu đỏ. Nhiều diện tích đồng cỏ đã suy giảm, thay vào đó là các loại thảm thực vật lung bàu ngập sâu quanh năm.
Số liệu quan trắc môi trường của VQGTC cho thấy, cùng với việc giữ nước kéo dài, tình trạng ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước đã tăng lên gấp 3 lần trong khoảng thời gian trên. Nhiều khu vực trong vùng lõi VQGTC nước trở màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống nhiều loài thủy sinh vật.
Việc giữ nước cao tuy bảo vệ cây tràm khỏi bị cháy nhưng cũng tạo ra môi trường sống không thích hợp cho chúng. Nền đất luôn úng nước làm rễ cây không phát triển dẫn đến đổ ngã. Trong điều kiện ngập thường xuyên, cây tràm cố gắng thích nghi bằng cách mọc rễ khí sinh bên trên mặt đất, làm hình thành khối lượng vật liệu có thể gây cháy rất lớn quanh gốc cây. Cành, lá rụng xuống đất trong điều kiện ngập úng cũng không phân hủy mà chỉ tích tụ từ năm này qua năm khác. Do vậy, giữ nước cao không làm giảm nguy cơ cháy mà ngược lại chỉ làm tích lũy nguy cơ, tạo điều kiện cho những trận cháy lớn mang tính hủy diệt có thể xảy ra.
Ưu tiên bảo tồn ở VQGTC
VQGTC được thành lập năm 1998 với mục tiêu bảo tồn hình mẫu của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ. Nằm trong vùng ngập lũ của sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười là hệ sinh thái ngập theo mùa - ẩm và ngập trong mùa mưa, khô ráo trong mùa khô. Trong vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ trước đây, đồng cỏ là kiểu hệ sinh thái chiếm diện tích lớn nhất. Chữ “Đồng” trong Đồng Tháp Mười từ đó mà ra. Phần lớn các vùng đồng cỏ ở ĐBSCL hiện đã bị chuyển đổi sang đất canh tác. VQGTC là nơi lưu giữ những diện tích đồng cỏ rộng lớn và gần với tự nhiên nhất cho toàn vùng ĐBSCL.
Có thể nói, chính hệ sinh thái đồng cỏ ngập theo mùa mới là ưu tiên bảo tồn của VQGTC chớ không phải rừng tràm. Tuy vậy, trên thực tế diện tích rừng tràm ở VQGTC đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, diện tích rừng tràm ở Tràm Chim năm 2008 là 1.752ha chiếm 24% tổng diện tích. Đến năm 2023, tăng lên gần gấp đôi, đến 2.580 ha, chiếm 35% diện tích vườn.
Nguyên nhân việc gia tăng diện tích rừng tràm một phần là do tái sinh tự nhiên, nhưng phần lớn là do việc chủ động trồng thêm cây tràm bên trong vườn. Rừng tràm gia tăng diện tích cũng đồng nghĩa với việc giảm diện tích các vùng đồng cỏ, làm thay đổi cấu trúc hệ sinh thái, đồng thời còn làm gia tăng gánh nặng cho công tác phòng, chống cháy rừng.
Phục hồi môi trường sinh thái cho VQGTC
Cuối năm 2023, tỉnh Đồng Tháp thông qua Đề án bảo tồn và phát triển đàn sếu đầu đỏ ở VQGTC. Một trong những nội dung của Đề án là phục hồi các hệ sinh thái trong vùng lõi VQGTC, trong đó phục hồi điều kiện thủy chế là nội dung cơ bản nhất. Cuối tháng 12/2023, VQGTC đã chủ động điều tiết nước theo đúng thiết kế kỹ thuật. Việc điều tiết nước đã phục hồi môi trường khô ráo trong mùa khô, tạo điều kiện cho những vật rụng tồn tích trong nhiều năm bắt đầu được phân hủy. Việc điều tiết nước cũng giúp nhanh chóng cải thiện chất lượng môi trường nước. Tình trạng ô nhiễm hữu cơ đã được cải thiện rất nhiều.
Sinh vật đã đáp ứng nhanh chóng với môi trường sống được cải thiện. Dễ thấy nhất là nhiều diện tích quần xã thực vật đồng cỏ như năng, lúa ma đã phục hồi. Nhiều loài chim đã gia tăng số lượng rất cao. Nhiều loài chim hiếm gặp cũng đã xuất hiện.
Lửa rừng tất nhiên cũng sẽ dễ xảy ra hơn trong điều kiện khô, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên về lâu về dài, việc điều tiết nước sẽ tạo điều kiện cho lớp vật liệu gây cháy đã tích lũy nhiều năm qua có thể tự phân hủy. VQGTC cũng đang áp dụng biện pháp đốt chủ động một số diện tích đồng cỏ để làm giảm nguy cơ gây cháy. Đây chính là cách phòng cháy cơ bản, hiệu quả, đồng thời không gây ra tác động xấu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
(Nguồn: baodongthap.vn)