Thứ sáu, 15/07/2022, 07:00
Cảnh giác nguy cơ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên
Từ trước đến nay, người dân thường cảnh giác với những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứa chất bảo quản, phụ gia, hóa chất độc hại,...Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do độc tố tự nhiên cũng là một trong những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu không biết cách phân biệt, lựa chọn thực phẩm và xử trí đúng cách, kịp thời khi ăn phải.
Độc tố tự nhiên (ĐTTN) là các chất độc có sẵn trong tự nhiên ở thực vật, động vật. Tùy vào loại thực phẩm, lượng thực phẩm tiêu thụ cũng như cách chế biến,... mà người ăn phải những loại động, thực vật chứa chất độc có thể bị ngộ độc với các mức độ khác nhau, thậm chí là tử vong. Động, thực vật có chứa chất độc bao gồm nấm độc, khoai tây mọc mầm, khoai mì (sắn) độc, măng độc, đậu đỗ độc, hạt lanh, hạnh nhân đắng, lá ngón, cóc, cá nóc, bạch tuộc xanh, con so, một số loài nhuyễn thể. Trong đó, phổ biến là ngộ độc nấm, măng, sắn, thịt cóc, cá nóc, con so,...
Người dân cần chú ý lựa chọn những loại thực phẩm an toàn, không ăn các loại rau, củ, quả lạ, chưa biết rõ nguồn gốc (Ảnh minh họa).
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An - Đoàn Thanh Chiến, triệu chứng lâm sàng chủ yếu khi ngộ độc là hội chứng thần kinh (buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, đau đầu,...) kèm hội chứng tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy). Tỷ lệ tử vong do ĐTTN thường rất cao. Các vụ ngộ độc thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái. Số lượng mắc thường ít, lẻ tẻ. Với kỹ thuật thông thường hiện nay, rất khó xác định được chất độc, bởi vật chẩn đoán chủ yếu dựa vào dịch tễ học (có ăn loại thức ăn gây ngộ độc) và các triệu chứng lâm sàng, trong đó, mỗi loại thức ăn gây ngộ độc có những triệu chứng lâm sàng đặc thù.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước còn ghi nhận các trường hợp ngộ độc do ĐTTN. Các vụ ngộ độc đa phần xảy ra vào mùa mưa, tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ngộ độc cóc là một trong những NĐTP do ĐTTN thường gặp. Tuy trong thịt (cơ) cóc không độc nhưng chất độc lại tập trung ở nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng). Trong quá trình chế biến, nếu không loại bỏ hết da, nội tạng, độc tố lẫn vào thịt cóc thì khi ăn sẽ bị nhiễm độc. Các triệu chứng ngộ độc do cóc là buồn nôn, nôn, chướng bụng trên, đau bụng, hồi hộp, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi,...Trường hợp nặng gây ức chế trung khu hô hấp và dẫn tới ngừng thở, tử vong. Vì vậy, an toàn nhất là người dân không nên ăn thịt cóc.
Bên cạnh cóc, cá nóc cũng rất dễ gây ngộ độc và có nguy cơ tử vong cao. Người dân không buôn bán cá nóc và sản phẩm chế biến từ cá nóc. Trên thế giới có 131 loài cá nóc, trong đó, Việt Nam có 66 loài. Đa số cá nóc sống ở biển, vùng duyên hải biển nông, một số sống ở vùng nước ngọt, sông, suối, ao, hồ, cửa sông đổ ra biển. Cá thường đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 7. Buồng trứng thời kỳ này có lượng độc tố rất lớn, độc lực rất mạnh, gan cá nóc cũng có sức tác động của độc tố mạnh nhất.
Diễn biến ngộ độc do cá nóc được chia ra 4 độ: độ I: Triệu chứng đầu tiên và rất quan trọng là thấy tê môi và đầu lưỡi sau khi ăn từ 20 phút - 3 giờ, cũng có trường hợp sau khi ăn, người bệnh có cảm giác buồn ngủ ngay lập tức và sau 4 giờ mới bắt đầu cảm thấy bị ngộ độc; độ II: Liệt vận động không hoàn toàn; độ III: Liệt vận động hoàn toàn; độ IV: Mất ý thức. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc rất cao, trung bình là 60%, do đó, người tiêu dùng tuyệt đối không ăn cá nóc với bất kể hình thức nào.
Cá nóc, khoai tây mọc mầm, cóc,... là những thực phẩm gây ngộ độc do độc tố tự nhiên thường gặp.
Bên cạnh ngộ độc do ĐTTN từ động vật, một số loại thực vật cũng thường chứa độc tố như măng, khoai mì, khoai tây mọc mầm,... Măng có chứa nhiều chất glucid có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric (HCN) gây độc cho cơ thể khi sử dụng. Tuy không phải măng nào cũng độc nhưng đa số măng đắng độc hơn măng thường; măng tươi độc hơn măng khô. Tương tự, củ khoai mì, lá khoai mì cũng là loại thực phẩm chứa độc tố acid cyanhydric. Hàm lượng chất độc này rất khác nhau, phụ thuộc vào giống khoai mì, đa phần là loại khoai dùng sản xuất bột ngọt hoặc làm thức ăn cho gia súc, có vị đắng, người ăn dễ bị ngộ độc.
Tuy nhiên, loại khoai mì ngọt thường ăn có hàm lượng HCN ít hơn nhưng vẫn có thể gây nguy hại nếu không chế biến đúng cách. Để phòng ngừa ngộ độc khoai mì, măng: Không nên ăn tươi, khi luộc cần gọt, bóc vỏ kỹ, rửa, ngâm nước sạch, luộc mở vung và kỹ, nếu đắng thì không nên ăn. Với khoai tây mọc mầm thì có chứa chất độc dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, huyết áp thấp, mạch nhanh, sốt, đau đầu và trong một số trường hợp thậm chí có thể gây tử vong.
Theo ông Đoàn Thanh Chiến, nhằm chủ động phòng, chống NĐTP có ĐTTN, người dân cần chú ý lựa chọn những loại thực phẩm an toàn, không ăn các loại rau, củ, quả lạ, nhất là rau, củ rừng, chưa biết rõ nguồn gốc. Đối với nấm thì chỉ sử dụng, chế biến các loại nấm khi biết chắc chắn là nấm ăn được, không được ăn các loại nấm lạ và không phân biệt được có độc hay không.
Người dân tốt nhất không nên ăn thịt cóc, thịt cá nóc, uống mật cá. Đồng thời, không nên tự sưu tầm các loại cây, củ, quả, con vật lạ chưa có bằng chứng khoa học để ngâm rượu uống. Khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống các loại thực phẩm nghi có ĐTTN như đã nêu thì cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
(Nguồn: baolongan.vn)
Link gốc: https://baolongan.vn/canh-giac-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-do-doc-to-tu-nhien-a138533.html