Thứ ba, 25/07/2023, 09:30
Cảnh báo nguy cơ 'vỡ trận' sầu riêng
Thị trường sầu riêng đang cho thấy các mức giá bán tăng quá cao so với mọi năm, kéo theo đó là hình thức thỏa thuận chốt giá mua - bán cả vườn sầu riêng từ khi trái còn non diễn ra khá sôi động với giá chốt ngày một tăng. Đây chưa hẳn là tín hiệu mừng, mà trái lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ... “vỡ trận” sầu riêng.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội đang vận động nông dân cần tỉnh táo trước những khung giá “giăng bẫy”, nên cân nhắc mức giá hợp lý để nhanh chóng tiêu thụ được sầu riêng.
Rộ hình thức chốt non
Gia đình anh Nguyễn Lê Duy (ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) có hơn 10 ha sầu riêng Dona. Năm ngoái, toàn vườn cho sản lượng 150 tấn quả, vào chính vụ anh bán xô với giá 42.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 6 tỷ đồng. Anh Duy cho biết, còn gần hai tháng nữa mới bước vào chính vụ sầu riêng, nhưng khoảng một tháng trước, đã có thương lái đến hỏi mua cả vườn với giá 60.000 đồng/kg. Do diện tích sầu riêng lớn, công chăm sóc thu hoạch nhiều, trong khi giá thu mua khá cao nên anh quyết định bán bớt 3 ha với giá 3,6 tỷ đồng.
Một cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Minh Thuận.
Gia đình anh Trịnh Văn Thanh (ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có 1 ha sầu riêng Ri6. Anh cho hay, cách đây ít ngày, có người vào hỏi mua cả vườn sầu riêng với giá 65.000 đồng/kg, anh liền chốt bán. Hai bên đã chốt năng suất khoảng 15 tấn quả với giá 975 triệu đồng. Anh Thanh nhận cọc 400 triệu đồng, số còn lại sẽ nhận đủ khi thương lái cắt sầu riêng.
Gia đình ông Ngô Công Lương (thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) có 180 cây sầu riêng Dona trồng từ năm 2011. Do chăm sóc tốt nên năm nay dự tính sẽ thu khoảng 40 tấn quả. Ông cho biết, từ hơn một tháng nay đã có nhiều thương lái tìm đến vườn sầu riêng của gia đình ông để hỏi mua non nhưng ông chưa muốn bán. Lúc đầu họ đòi chốt giá 60.000 đồng/kg rồi tăng dần lên 75.000 đồng/kg. Do không có nhu cầu bán sớm và tránh bị thương lái làm phiền, bất đắc dĩ ông Lương phải ghi bảng gắn trên cây “Sầu riêng còn bé, chưa bán được, quý khách vui lòng không vào vườn”…
Thông tin cập nhật đến sáng 20/7/2023, giá sầu riêng chốt tại vườn được thương lái đưa ra là 90.000 đồng/kg loại A, 56.000 đồng/kg loại C. Bình quân giá sầu riêng đang thỏa thuận tầm 75.000 – 86.000 đồng/kg loại A. Năm 2023, tình hình có chiều đặc biệt hơn, khi thông tin xuất khẩu chính ngạch được lan tỏa, dư luận đánh giá giá sầu riêng sẽ tăng vọt. Do có dấu hiệu mất mùa, trái rụng nhiều, sản lượng sầu riêng giảm càng khiến mức giá dễ tăng lên.
Rủi ro cho cả hai phía
Tình trạng bán non vườn sầu riêng đã xuất hiện từ nhiều năm nay với nhiều hình thức. Sau khi hai bên chốt giá bán, thương lái đặt cọc tiền và đảm nhận chăm sóc đến khi thu hoạch, thu xong thì trả vườn lại cho chủ. Cũng có trường hợp, thương lái chỉ đặt cọc tiền và nhận thu mua sản phẩm chứ không chăm sóc vườn. Hoặc có khi, thương lái cho nông dân ứng trước vốn, phân bón, thuốc trừ sâu đến mùa bán nông sản cho họ.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Ngô Công Lương (thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc).
Theo nhiều hộ dân từng bán non vườn sầu riêng, mặc dù đỡ công chăm sóc, nhưng hình thức này có những thiệt hại cho người trồng sầu riêng. Đó là có tình trạng, sau khi chốt giá, người mua thường bón phân, sử dụng thuốc hóa học quá đà để kích trái khiến cây bị suy kiệt, giảm năng suất vụ sau, giảm tuổi thọ cây. Còn về phía thương lái, hình thức mua non vườn sầu riêng cũng gặp không ít rủi ro bởi không dự báo được giá bán. Những năm trước, từng có vườn khi chốt bán giá cao nhưng đến chính vụ giá xuống thấp, nhiều thương lái đành bỏ cọc, không cắt sầu riêng nữa…
Phân tích của các doanh nghiệp cho thấy, cảnh “được giá mất mùa, được mùa mất giá” của nông sản Tây Nguyên tái diễn bao năm qua đều do quan hệ thiếu thống nhất giá mua bán ở các vụ thu hoạch. Cụ thể với sầu riêng, trước vụ, người nông dân toan tính công chăm sóc, luôn đưa ra giá bán cao. Một số thương lái lợi dụng tâm lý này, “đồn thổi” giá tăng. Khi vào chính vụ, sầu riêng chín rộ, thương lái “trở mặt” không mua, nông dân đành phải bấm bụng bán tháo.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Ban Mê Green, một đơn vị thu mua nông sản tại TP. Buôn Ma Thuột nhìn nhận, chi phí làm hàng xuất khẩu ở doanh nghiệp bình quân 25.000 đồng/kg tại xưởng, nếu xuất đi phải mất tổng cộng khoảng 40.000 đồng/kg. Do đó, nếu mua được dưới 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp mới an tâm có lãi. Cho nên, khi nông dân đưa giá bán quá cao tại vườn, doanh nghiệp từ chối, chắc chắn thương lái không thể mua.
Làm sao điều tiết hợp lý?
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Vũ Đức Côn chia sẻ, áp lực giá tăng và mùa vụ thu hoạch đã đến đang là bài toán khẩn với nông dân trồng sầu riêng. Cần phải có nhanh biện pháp vừa bảo đảm nguồn thu nhập tốt cho nông dân, vừa cân đối các thương lái, doanh nghiệp làm hàng. Hội nghị ngày 14/7 vừa qua do Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức đã cảnh tỉnh vấn đề này, hy vọng các doanh nghiệp và nông dân quan tâm.
Nông dân huyện Krông Búk thu hoạch sầu riêng niên vụ 2022. Ảnh: Minh Thuận
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, cơ hội hiện tại cho người nông dân trước nguy cơ mất mùa mất cả tiêu thụ là đừng chạy theo chỉ số giá bán cao, mà trái lại, nên giảm ngay giá chào bán ở các vườn. Nông dân cần hợp tác với các đơn vị thu mua, chế biến để có giá vừa phải. Đồng thời, để bảo đảm dài lâu, các cấp quản lý, các hiệp hội nên cùng quan tâm, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, cam kết cùng đồng hành nông dân về sau như tính toán thuế suất, điều kiện mặt bằng sản xuất… và nhất là hỗ trợ giá vật liệu ở vụ sau. Đơn giản như nông dân sẽ được hỗ trợ giá phân, thuốc, tới vụ sẽ đến để cùng thống nhất giá bán sầu riêng hợp lý mùa này, họ sẽ rất sẵn sàng. Song để được như vậy, doanh nghiệp lại cần chính sách hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sở, ngành chuyên môn…, giúp họ hoạt động thuận lợi hơn.
Hơn nữa, tầm nhìn bền vững cho thị trường nông sản, là đầu tư công nghiệp chế biến chuyên sâu, vấn đề đã đặt ra từ rất lâu rồi. Từ hệ thống các kho lạnh bảo quản, kho chuyên dụng nông sản, đến các nhà máy, dây chuyền chế biến thực phẩm, tinh chế nông sản…, tính đến nay khu vực Đắk Lắk vẫn chưa có được các dự án đủ tầm, chưa thu hút được các nhà đầu tư thỏa đáng. Điều này rất cần được chính quyền tỉnh quan tâm, có sự chỉ đạo để thay đổi môi trường thu hút đầu tư, vận động chính các doanh nghiệp địa phương quan tâm đầu tư mảng chế biến nông sản chuyên sâu, tạo cơ sở thay đổi năng lực tiêu thụ nông sản bản địa.
Thống kê từ Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho thấy, sau Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đã tăng lên hơn 22.000 ha, với sản lượng dự kiến khoảng 200.000 tấn/năm. Bình quân các doanh nghiệp vào vụ cần xuất 460 container sầu riêng giá trị cao. Những con số này là một thách thức rất lớn cho địa phương, cần có sách lược đầu tư, chuẩn bị tốt nhất, mới có thể giúp doanh nghiệp và người nông dân chủ động và hợp tác phát triển ở mỗi vụ mùa thu hoạch.
(Nguồn: baodaklak.vn)
Link gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202307/canh-bao-nguy-co-vo-tran-sau-rieng-93020cb/