Thứ tư, 29/12/2021, 19:00
Căng thẳng biên giới Thái Lan và Myanmar
Các cuộc tấn công của quân đội Myanmar vào các ngôi làng gần biên giới với Thái Lan khiến căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng gia tăng.
Các thành viên của Liên minh Quốc gia Karen - Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin quân sự cho biết, hôm 25-12, nhiều người dân ở Myanmar đã băng qua sông Moei để qua Thái Lan giữa tiếng súng và bom đạn.
Các cuộc giao tranh giữa Lực lượng biên phòng bang Karen (BGF, lực lượng được hậu thuẫn bởi quân đội Myanmar) và Liên minh dân tộc Karen (KNU) đã kéo dài khoảng 10 ngày qua.
Tình trạng giao tranh gia tăng kể từ tháng 2 năm nay, sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền, còn các phiến quân ở Karen cung cấp nơi ẩn náu cho những người phản đối quân đội.
Trong khi đó, tổ chức chính trị đại diện cho người Karen (KNU) đang đòi chính quyền trung ương Myanmar trao cho họ quyền tự trị nhiều hơn.
Tình hình ngày càng leo thang khi phía quân đội Myanmar tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào thị trấn Lay Kay Kaw do KNU kiểm soát gần đây. Đây là thị trấn nhỏ của Myanmar nằm gần biên giới Thái Lan.
KNU cho biết phía quân đội Myanmar đã thực hiện ít nhất 2 cuộc không kích và sử dụng pháo tấn công vào khu vực do KNU kiểm soát vào tối 23-12. Đến ngày 24-12, thêm nhiều cuộc không kích đã diễn ra ở thị trấn Lay Kay Kaw.
Các nguồn tin cho biết, quân đội Myanmar đã bắt 30 - 60 người, bao gồm ít nhất một nghị sĩ đối lập, trong các cuộc tấn công. Chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa bình luận về các cuộc tấn công này.
Theo báo Bangkok Post, sông Moei nằm giữa Myanmar và Thái Lan đã trở thành một "vùng chiến tranh". Nhiều người Myanmar đã băng qua con sông này để vào huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak của Thái Lan (giáp tỉnh Karen của Myanmar).
Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết hơn 4.000 dân làng Myanmar đã vượt biên sang Thái Lan từ ngày 16 đến 21-12 vì các cuộc giao tranh giữa phía quân đội Myanmar, và KNU đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Lay Kay Kaw để bảo vệ dân thường.
Bộ chỉ huy quân sự biên giới Thái Lan-Myanmar đã đưa ra một tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của Thái Lan sẽ sẵn sàng đáp trả nếu chủ quyền của nước này bị vi phạm hoặc các cuộc tấn công gây ảnh hưởng tới an toàn và tài sản của người dân Thái Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat nói rằng ông lo ngại về tình trạng giao tranh ở Myanmar, vốn cũng ảnh hưởng đến người dân Thái Lan sống dọc biên giới hai nước.
Hôm 24-12, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo nhà chức trách nước này chuẩn bị cung cấp thuốc men và thức ăn cho người tị nạn. Ông tuyên bố Thái Lan sẽ chăm sóc mọi người tị nạn Myanmar vượt biên sang huyện Mae Sot ở tỉnh Tak của Thái Lan.
Tuy nhiên, thông thường Thái Lan cho dân làng Myanmar ở lại trong thời gian ngắn rồi đưa họ quay về Myanmar khi tình hình ổn định trở lại.
Đến nay đã có hơn 90.000 người Myanmar vượt biên sang Thái Lan. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut cho biết nước này sẽ không lập ra trung tâm tị nạn mới nào vì tất cả người tị nạn này sẽ phải quay trở lại Myanmar khi tình hình ổn định.
Theo số liệu của Liên Hợp quốc, kể từ khi diễn ra biến cố chính trị tại Myanmar, đã có ít nhất 500.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Các cuộc đụng độ hiện cũng đang lan rộng sang các khu vực khác của bang Kayin. Thái Lan đang là quốc gia phải chịu nhiều lo ngại trước làn sóng người tị nạn vượt biên.
(Nguồn: baovinhlong.com.vn)