Thứ tư, 31/01/2024, 13:30
Cách Tổng thống Widodo củng cố tham vọng dời Thủ đô trước thềm bầu cử
Theo chính quyền Indonesia, tính đến tháng 12, việc xây dựng giai đoạn đầu tiên trong 5 giai đoạn của dự án Thủ đô mới Nusantara đã hoàn thành 62% khối lượng công việc.
Một tòa nhà bằng kính và crom lớn có hình cánh chim bay vút đang dần hiện lên từ khu rừng rậm ở Borneo.
Hai năm trước, đây là một đồn điền bạch đàn rộng lớn, nhưng trong bảy tháng nữa, đây sẽ là nơi tọa lạc dinh tổng thống của Indonesia, nằm trên một ngọn đồi nhìn ra thủ đô mới Nusantara.
Ảnh chụp từ trên không về quá trình xây dựng Thủ đô Nusantara của Indonesia trên đảo Borneo vào tháng 12/2023. Tòa nhà lớn ở phía trước sẽ là dinh tổng thống. Ảnh: Nikkei.
Thành phố mới đang hình thành ở vùng nông thôn xung quanh là "sản phẩm" của Tổng thống Joko Widodo, thường được biết đến với cái tên Jokowi, người đã khởi động dự án xây dựng táo bạo trị giá 29 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019.
Mặt khác, dù công tác xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh, triển vọng hoàn thành dự án vẫn chưa chắc chắn, ngay cả khi khoảng 3.000 công chức chuẩn bị chuyển đến Nusantara vào cuối năm nay. Với việc ông Joko Widodo chuẩn bị rời vị trí Tổng thống vào tháng 10 sau hai nhiệm kỳ, dự án sẽ nằm ngoài tầm tay của ông.
Nỗ lực bảo vệ "di sản"
Người kế nhiệm ông Widodo sẽ được quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu từ ngày 14/2, với cuộc bầu cử vòng hai vào tháng 6 có kết quả cuối cùng. Dù hiện 2/3 ứng cử viên tổng thống chính ủng hộ việc di dời thủ đô, nhưng vẫn chưa rõ liệu người thay thế Joko Widodo có đấu tranh quyết liệt để hiện thực hóa tầm nhìn của ông hay không.
Trong khi đó, quá trình huy động tài chính xây dựng thủ đô mới đang chững lại. Rất ít nhà đầu tư sẵn sàng cam kết rót vốn cho đến khi người kế nhiệm Joko Widodo- và quan điểm của lãnh đạo mới về thủ đô mới - rõ ràng. Chính phủ đã lên kế hoạch tài trợ 20% tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước, nhưng vẫn cần 80% từ khu vực tư nhân.
Các nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ đang "án binh bất động" để chờ đợi các đảm bảo kế hoạch thủ đô Nusantara được tiến hành sau cuộc bầu cử.
Ông Joko Widodo đang nỗ lực thúc đẩy việc hiện thực hóa di sản "rời đô" của mình thông qua việc chuyển thủ đô từ Jakarta rộng lớn và đông đúc trên đảo Java đến các đồn điền trải dài ở Đông Kalimantan, phía Borneo của Indonesia. Về mặt địa lý, đây là trung tâm của quần đảo Indonesia, vị trí này phản ánh nỗ lực phát triển "lấy Indonesia làm trung tâm" của Jokowi, trái ngược với cách tiếp cận "lấy Java làm trung tâm" trong nhiều thập kỷ.
Nhà lãnh đạo đã nỗ lực hết sức để đảm bảo người kế nhiệm sẽ tiếp tục dự án sau khi ông rời nhiệm, đặc biệt là việc thông qua luật về thủ đô mới vào đầu năm 2022. Một nỗ lực rõ ràng vào tháng 10, khi ứng cử viên hàng đầu thay thế Jokowi, bộ trưởng quốc phòng 72 tuổi và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, tuyên bố rằng đồng hành tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới là con trai 36 tuổi của Joko Widodo - Gibran Rakabuming.
Mô hình dinh tổng thống tại Thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Nikkei.
Theo chính phủ, tính đến tháng 12, việc xây dựng giai đoạn đầu tiên trong 5 giai đoạn của dự án Nusantara đã hoàn thành 62%. Kể từ tháng 8, nhiều bộ, cơ quan chính phủ sẽ mở văn phòng tại đây và chính phủ có kế hoạch điều động 3.000 công chức đến Nusantara từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay.
Chính phủ ước tính dân số thành phố sẽ đạt 60.000 người vào cuối năm nay, tăng lên 2 triệu người vào năm 2040.
Tuy nhiên, các đại sứ quán và trụ sở doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Jakarta tỏ ra miễn cưỡng trong việc thảo luận di chuyển. Có lo ngại rằng Nusantara có thể chịu chung số phận với những dự án tương tự của các nước láng giềng Đông Nam Á. Ví dụ, vào năm 1999, Malaysia bắt đầu chuyển các bộ và cơ quan chính phủ liên bang tới thủ đô hành chính mới, Putrajaya, cách Kuala Lumpur 25 km về phía nam. Nhưng Kuala Lumpur vẫn là thủ đô tài chính và thương mại của đất nước ngày nay. Cho đến nay chỉ có một cơ quan ngoại giao nước ngoài là Brunei đã chuyển địa điểm. Tương tự, Myanmar năm 2005 bắt đầu chuyển thủ đô hành chính từ Yangon về Naypyidaw, nhưng hầu hết các đại sứ quán lớn vẫn ở lại Yangon.
Melinda Martinus, nhà nghiên cứu chính tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định, trong khi tỉnh Kalimantan có các ngành công nghiệp có thể hỗ trợ sự phát triển, bao gồm lâm nghiệp, nông nghiệp và khai thác mỏ thì Java, nơi tọa lạc của Jakarta lại có nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. “Tôi lo lắng rằng năng lực hiện tại của thủ đô mới sẽ không hỗ trợ được những gì một thành phố thủ đô phải hướng tới: kết nối với các thành phố toàn cầu khác, sáng tạo tri thức, dịch vụ hành chính.”
Không nản lòng trước những bên phản đối, Tổng thống Joko Widodo hình dung Nusantara là một "thành phố toàn cầu xanh và thông minh" sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển ở nửa phía đông của Indonesia và cuối cùng nâng Indonesia lên hàng ngũ các quốc gia phát triển, cũng như giúp thực hiện cam kết không phát thải ròng vào năm 2060. Khoảng 65% diện tích thành phố dự kiến sẽ có rừng, giúp thành phố đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045 thông qua năng lượng tái tạo.
Agung Wicaksono, phó giám đốc đầu tư và tài chính của Cơ quan Thủ đô Nusantara, cho biết trong cuộc họp ngắn vào tháng 12: “Tiêu chuẩn của chúng tôi không chỉ là Canberra hay Putrajaya hay Washington, D.C. mà còn là trở thành một trung tâm của nền kinh tế thế giới”.
Hiện tại, các kế hoạch này dường như đã thu hút được sự ủng hộ của người dân. Trong một cuộc thăm dò do Indikator Politik Indonesia thực hiện vào tháng 10 năm ngoái, 58,4% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ dự án, so với 28,7% số người phản đối.
Rủi ro
Nếu kế hoạch được tiến hành, ông Joko Widodo sẽ đạt được thành công mang tính lịch sử, trong khi những người tiền nhiệm ông đã thất bại.
Chuyển thủ đô đến Borneo là mục tiêu chưa thực hiện được của tổng thống đầu tiên Sukarno, nắm quyền từ năm 1945 đến năm 1967. Sukarno muốn chuyển thủ đô đến Borneo vì đây là hòn đảo lớn nhất và nằm ở trung tâm của Indonesia.
Cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, người nắm quyền từ năm 2004 đến năm 2014, đã nêu ra ý tưởng di chuyển thủ đô một lần nữa, nhưng cũng không thuyết phục được người dân.
Ngay sau khi tái đắc cử vào năm 2019, ông Widodo đã kế thừa ý chí của những người tiền nhiệm, thông báo kế hoạch di dời thủ đô, với lý do tình trạng giao thông tắc nghẽn và nền móng bị lún của Jakarta. Ông cũng nhấn mạnh rằng động thái này sẽ mang lại sự bình đẳng và tăng trưởng kinh tế ở nửa phía đông của Indonesia. Đảo Java, nơi thủ đô Jakarta nằm ở trung tâm, chiếm 57,1% quy mô nền kinh tế Indonesia trong quý 3 năm 2023. Đóng góp của các khu vực thuộc Indonesia trên đảo Borneo, nơi Nusantara tọa lạc, chỉ là 8%, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia, mặc dù tỉnh Kalimantan nằm ở đó lớn hơn bốn lần so với Java.
Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Indonesia, Prabowo Subianto, phải, và người tranh cử của ông, Gibran Rakabuming Raka, con trai cả của Tổng thống Joko Widodo. Ảnh: Reuters.
Trong chuyến đi tới thủ đô tương lai Nusantara vào ngày 17/1 năm nay, ông Widodo bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp mới ở đó sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thủ đô mới và các thành phố xung quanh. Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông kể từ tháng 11 và được coi là nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng.
Để biến các dự án thành hiện thực, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài giúp xây dựng thủ đô mới. Trong chuyến đi tới New Delhi vào tháng 9 để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20, ông Jokowi đã cố gắng thu hút các nhà lãnh đạo nước ngoài như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tư vào dự án đầy tham vọng này.
Ông cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường đẩy nhanh đầu tư của Trung Quốc vào việc xây dựng thủ đô trong chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng 10.
(Nguồn: kinhtedothi.vn)
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/cach-tong-thong-widodo-cung-co-tham-vong-doi-thu-do-truoc-them-bau-cu.html