Thứ sáu, 06/05/2022, 09:00
Các trường THPT bối rối với việc phân ban
Chương trình GDPT 2018 bậc THPT sẽ chính thức triển khai từ năm lớp 10 năm học tới song đến giờ “đầu ra” chương trình vẫn chưa được Bộ GD-ĐT công bố, gây khó khăn cho các trường THPT và học sinh.
Chương trình mới, tổ hợp cũ
Năm học 2022-2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tuyển sinh 17 lớp 10. Xây dựng Chương trình GDPT 2018, ngoài 7 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Nội dung giáo dục địa phương, trường xây dựng các nhóm môn lựa chọn bao gồm nhóm khối A, A1, A2, B, D và C. Với mỗi nhóm tổ hợp lựa chọn, học sinh sẽ chọn thêm 4 môn học nữa trong tổng số 9 môn học còn lại trong nhóm môn lựa chọn.
Chia sẻ về công thức xây dựng các nhóm môn học lựa chọn, cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trường xây dựng dựa trên những lựa chọn tổ hợp học sinh nhà trường các năm học trước vẫn chọn. Tức là theo cách thức tổ hợp mà chương trình hiện hành đã triển khai để học sinh vừa học, vừa thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học.
Chương trình mới nhưng tổ hợp môn học lựa chọn thì vẫn theo chương trình hiện hành.
“Hàng năm toàn khối chỉ có 2 lớp chọn KHXH, còn lại là KHTN. Do đó, trong năm học tới, trường cũng cân nhắc xây dựng các nhóm tổ hợp môn lựa chọn phù hợp với cách thức học sinh vẫn thường quen, đồng thời tính toán các môn học lựa chọn còn lại phù hợp với đặc thù của chương trình mới. Dù vậy, việc xây dựng Chương trình mới dựa trên công thức của chương trình hiện hành cũng phần nào là khó khăn cho trường và học sinh khi lựa chọn”, cô Dung nêu.
Tương tự, với 17 lớp 10 trong năm học tới, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) xây dựng 8 tổ hợp tự chọn cùng 7 môn học và các hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong đó có 1 lớp tổ hợp tự chọn do chính học sinh, phụ huynh đề xuất. Đi với mỗi tổ hợp tự chọn, học sinh được học 1 chuyên đề “bổ khuyết”.
Để thiết kế các tổ hợp lựa chọn, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, nhà trường căn cứ vào những lựa chọn của học sinh theo các ban thi (KHTN, KHXH) hàng năm vẫn đăng ký xét tuyển vào đại học ở chương trình hiện hành để xây dựng. Số lớp học theo tổ hợp tự chọn được mở ra cũng dựa trên xu hướng học sinh chọn ít hay nhiều…
Hiệu trưởng này nhận định, do chương trình mới nhưng lại được xây dựng trên nguyên tắc thi cử, đánh giá và “đầu ra” của chương trình hiện hành nên ngay trong việc thiết kế tổ hợp nhóm môn lựa chọn nhà trường luôn tính đến việc giáo dục bổ trợ cho học sinh thêm các môn học mà học sinh không lựa chọn trong các chuyên đề.
“Ví dụ, khi lựa chọn tổ hợp 1 với các môn Lý, Hoá, Sinh, Địa, Nghệ thuật thì chuyên đề học tập tương ứng sẽ gồm các môn: Toán, Anh, Lý. Như vậy, ngay cả khi tổ hợp lựa chọn ban đầu là khối B, D, bằng cách sắp xếp chuyên đề theo hình thức bổ trợ thì học sinh sẽ có thêm cơ hội nữa ở khối A… Điều này sẽ hạn chế tình trạng học sinh chuyển lớp lựa chọn và cũng sẽ dễ dàng thích ứng nếu như “đầu ra” của Chương trình GDPT 2018 thay đổi”, thầy Huỳnh Thanh Phú phân tích.
Bộ cần sớm công bố đầu ra
“Sớm công bố đầu ra của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT” là một trong nhiều kiến nghị được TPHCM gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong buổi làm việc của Bộ với TPHCM về công tác xây dựng, chuẩn bị Chương trình GDPT 2018 mới đây.
Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đánh giá, việc xây dựng Chương trình mới theo hướng phân hoá, hướng nghiệp sẽ tạo ra thế mạnh cho các trường THPT khi phát huy được lợi thế của trường. Học sinh cũng được học theo hướng chuyên sâu, dễ dàng xác định được hướng đi nghề nghiệp sau này.
Tuy nhiên, bà đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm công bố chuẩn đầu ra của học sinh lớp 12 theo Chương trình GDPT 2018 để các trường có sự chủ động trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng trình độ cho học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục. Việc công bố chuẩn đầu ra cũng sẽ giúp cho học sinh, phụ huynh dễ dàng định hướng hơn trong lựa chọn tổ hợp phù hợp.
Các trường THPT tại TPHCM cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm công bố chuẩn đầu ra Chương trình mới để nhà trường, học sinh có sự chủ động.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng đến thời điểm này khi nhà trường đã phải công bố tổ hợp môn lựa chọn để học sinh, phụ huynh tham khảo, giáo viên hình dung, nhưng “mặt mũi” đầu ra Chương trình mới thì vẫn chưa biết như thế nào.
Ông ví von, hiện các trường THPT gần như đang “lần mò” xây dựng tổ hợp môn lựa chọn của Chương trình mới, căn cứ gần như tuyệt đối vào những dữ liệu hiện có của chương trình hiện hành như việc thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào đại học.
Chương trình mới thay đổi theo hướng phân hoá ngay từ đầu bậc THPT, như vậy Bộ cần phải công bố sớm hướng thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm tới sẽ như thế nào, cách thức xét tuyển vào các trường đại học sẽ ra sao cho phù hợp với hướng phân ban này, giúp học sinh, giáo viên dễ dàng định hình, lựa chọn tổ hợp môn lựa chọn phù hợp.
“Tính toán có đến cả trăm tổ hợp môn lựa chọn khi thực hiện Chương trình mới nhưng hầu như các trường chỉ xây dựng các tổ hợp môn quen thuộc với lựa chọn của học sinh và thuận lợi với đặc thù đội ngũ nhà trường. Tuy nhiên, nếu Bộ không sớm công bố “đầu ra” của Chương trình mới thì có thể có tình trạng ngành học sinh muốn theo học lại không xét tuyển bằng tổ hợp môn lựa chọn học sinh chọn hoặc một số tổ hợp môn lại được quá nhiều ngành xét tuyển”, ông Phú chỉ rõ.
Trong khi đó, Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 5 cho hay, khi Bộ GD-ĐT chưa công bố đầu ra của Chương trình mới bậc THPT thì buộc các trường THPT phải tính toán cách thức giảng dạy sao cho đảm bảo quyền lợi nhất của học sinh. Như vậy, vô tình lại đặt nặng thêm áp lực cho nhà trường, giáo viên và cả học sinh khi phải ôm đồm nhiều.
(Nguồn: giaoduc.edu.vn)
Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/cac-truong-thpt-boi-roi-voi-viec-phan-ban.htm