Thứ tư, 17/07/2024, 12:30
Cá voi 'khủng' xuất hiện ở Bình Định là loài cực kỳ quý hiếm
Hai ngày qua, cá voi Bryde dài khoảng 10m xuất hiện trên vùng biển ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định để săn mồi, cách bờ khoảng 1 km. Đây là loài cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá voi "khủng" liên tục xuất hiện ở Bình Định
Ngày 16/7, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, TX. Hoài Nhơn (Bình Định) Trần Minh Lâm xác nhận, một con cá voi vừa xuất hiện ở vùng biển xã này, khiến nhiều ngư dân vô cùng thích thú. Cá voi xuất hiện vào chiều 15/7, tại khu vực biển thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Đệ (35 tuổi, trú xã Hoài Hải) - cho biết, khoảng 15h chiều 14/7, khi đang câu cá trên biển, anh đã bắt gặp con cá voi có chiều dài khoảng 8-10m đang ngoi lên mặt nước đớp mồi nên đã dùng điện thoại quay lại.
Sau khi nắm bắt thông tin cá voi xuất hiện trên vùng biển của xã, UBND xã Hoài Hải đã cảnh báo người dân không nên lại gần và phải giữ khoảng đảm bảo an toàn, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến cá voi.
Cá voi khủng xuất hiện ở Bình Định là loài cực kỳ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, chiều 5/6, ông Lê Tư (56 tuổi, ngư dân hành nghề lưới vây rút) là người đầu tiên phát hiện cá voi khi ông đang bủa lưới đánh cá nục, cá cơm. Theo ông Tư, đây là lần đầu tiên cá voi xuất hiện gần bờ biển Nhơn Lý (Bình Định), ước tính cá dài 10m, nặng 7 tấn.
Thời điểm này, ven biển Nhơn Lý thường xuất hiện những đàn cá nhỏ như cá phèn, cá nục, cá tai nhỏ, cá giò… Có thể đây là những con mồi mà cá voi kiếm ăn nên xuất hiện ven bờ biển Nhơn Lý.
Theo các chuyên gia, có thể đây là loài cá voi Bryde từng xuất hiện, kiếm ăn vào các năm 2022, 2023 tại các khu vực biển gần bờ ở Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định).
Theo Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cá voi Bryde là một loài thú biển thuộc họ cá voi răng lược (Balaenopteridae). Thường rất dễ bị nhầm lẫn với các loài khác trong họ Balaenopteridae. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật có thể phân biệt cá voi Bryde với các loài cá voi khác là "ba đường gờ" trên đỉnh đầu, phía trước lỗ thở của chúng.
Cá voi Bryde có từ 40 đến 70 nếp gấp ở cổ họng để mở rộng miệng và cổ họng trong khi kiếm ăn. Loài này khi trưởng thành có kích thước tương đối lớn, với chiều dài từ 11 - 15.5 m, và có thể nặng từ 12 - 20 tấn. Trong khi đó, cá voi mới sinh chỉ có chiều dài từ 3 - 5m và nặng từ 1 - 2 tấn.
Cá voi Bryde có thể xuất hiện ở hầu hết tất cả các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ưa thích các vùng nước ấm (trên 16 độ C) và thường được tìm thấy ở cả khu vực ven bờ và ngoài khơi của các vùng biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Bình Định là nơi thường xuyên xuất hiện cá voi vào gần bờ kiếm ăn. Trước hiện tượng thú vị này, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao vùng biển Bình Định có cá voi xuất hiện và tại sao chúng lại ở lâu đến vậy?
Câu trả lời là nguồn thức ăn tập trung nhiều. Môi trường biển này có các yếu tố thuận lợi phù hợp với tập tính của cá voi như dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, sinh vật phù du phong phú… đã tập trung nhiều nguồn thức ăn của cá voi.
Đặc điểm nổi bật có thể phân biệt cá voi Bryde với các loài cá voi khác là "ba đường gờ" trên đỉnh đầu, phía trước lỗ thở của chúng.
Trước đây khá lâu, khoảng chục năm về trước, việc cá voi ghé lại vùng biển này mỗi năm từ 1-2 ngày là bình thường. Tuy nhiên sau đó nạn đánh bắt cá bằng thuốc nổ đã khiến nguồn thức ăn của các loài cá lớn cạn kiệt.
Thêm vào đó, sự ô nhiễm tiếng ồn, môi trường biển từ thuốc nổ độc hại đã làm những loài động vật có vú ở biển (vốn sử dụng âm thanh để giao tiếp và định hướng) không còn ghé lại.
"Những năm gần đây, khi nạn dùng thuốc nổ trên biển bị ngăn chặn, luồng nước và môi trường sinh thái biển được trở về trạng thái cân bằng vốn có, sự xuất hiện và ở lại lâu của đàn cá lần này là sự minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng cư dân và các cơ quan quản lý trong việc gìn giữ tài nguyên và môi trường biển", chuyên gia cho hay.
Vì sao cá voi Bryde là loài quý hiếm
TS Võ Văn Quang, cá voi thường di chuyển theo luồng cá mồi. Việc cá voi ở đây lâu như vậy và chim bay theo nhiều như vậy tức là con mồi khá nhiều. Cho nên không phải chỉ bảo vệ cá voi mà cần phải bảo vệ nguồn thức ăn thì cá voi mới ở lâu được, bởi nếu hết mồi chúng sẽ bơi đi chỗ khác. Qua quan sát thì vùng nước biển ở Bình Định khá trong xanh. Môi trường biển sạch là yếu tố quan trọng đầu tiên để tạo nên hệ sinh thái biển đa đạng, phong phú.
ThS Phạm Văn Chiến, chuyên gia thú biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đặc điểm đặc trưng để nhận biết cá voi Bryde và cá voi xanh rõ nhất là ở phần đầu của cá voi. Cá voi Bryde có 3 đường sọc kéo dài từ phần mũi đến miệng, còn cá voi xanh chỉ có 1 đường sọc.
Theo chuyên gia, các loài cá voi nói chung đều là các loài di cư, hầu như chúng di chuyển khắp đại dương chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Chúng thường tìm đến vùng biển nào có nhiều thức ăn để săn mồi, sau đó tìm đến vùng biển nào ấm và sạch để sinh sản. Cá voi Bryde là loài nằm trong Sách đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa cần được bảo vệ.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Sinh vật biển Marine Life Vietnam, loài cá voi Bryde (Balaenoptera edeni) thuộc loài quý hiếm, có thể được tìm thấy ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nhưng chúng thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiệt độ từ 16 - 22 độ C. Sự xuất hiện của cá voi gần bờ tại Việt Nam là điều rất đáng mừng, tuy nhiên nếu chúng cảm thấy không an toàn thì sẽ sớm di cư đến vùng biển khác để sinh sống.
Nhiều năm qua, Bình Định phát triển rất mạnh mẽ các hoạt động kinh tế hàng hải, du lịch biển, dịch vụ biển… Song song đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển, giảm thiểu rác thải nhựa, khai thác bền vững các tài nguyên khoáng sản biển, tăng cường quản lý hoạt động du lịch biển đảo luôn được địa phương chú trọng.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)