Thứ hai, 03/07/2023, 09:00
Bệnh tay chân miệng gây 'nóng' các bệnh viện
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng (TCM), nhất là ở khu vực phía Nam, tuần qua Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, hoạt động điều trị tại TP.HCM; đồng thời họp khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ca mắc tay chân miệng nặng tăng gấp 2,5 lần
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc TCM tại TP bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Từ đầu năm đến nay TP ghi nhận hơn gần 3.000 ca; chưa ghi nhận ca tử vong.
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết, so với các năm 2011, 2018, 2022 thì 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bệnh nhân mắc TCM nặng tăng gấp 2,5 lần. Bệnh TCM tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải mùa cao điểm. Những năm trước phải đến tháng 8, 9, bệnh TCM mới tăng nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng và có thể đạt đỉnh dịch trong thời gian tới. Đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3. Nguyên nhân do TCM là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.
Hiện BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhi mức độ ít nặng và hơn 10 trẻ nặng phải thở máy - trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Cụ thể, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, 3 ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào BV nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, đối với thuốc điều trị TCM hiện đang khan hiếm nguồn cung. Vào đầu tháng 6, Sở Y tế TP đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc. Riêng TP cũng đã nỗ lực tìm nguồn cung ứng và dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 4.000 lọ Immunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện điều trị bệnh TCM.
Phát biểu tại buổi làm việc với BV Nhi đồng 1, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn trong thời gian tới BV Nhi đồng 1 tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xây dựng các hướng dẫn, nghiên cứu để có các biện pháp, phương pháp hỗ trợ công tác điều trị cho các khu vực và toàn quốc.
Đối với Sở Y tế TP, bà Hương đề nghị trong công tác phòng chống dịch, Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT nhằm tăng cường truyền thông cho phụ huynh và học sinh.
Đã có 7 ca tử vong
Tại buổi họp khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh, TS. Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết, trong tuần qua 20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc bệnh TCM, tăng hơn 23% so với tuần trước và có 2 ca tử vong. Ca tử vong chủ yếu là trẻ 5 tuổi, tử vong sau 1 đến 6 ngày nhập viện. Phần lớn ca bệnh ban đầu đều bị lờ đi chẩn đoán TCM khi đi cơ sở y tế tư nhân.
TP.HCM lên 3 kịch bản phòng bệnh tay chân miệng
Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh TCM trên địa bàn TP theo ba kịch bản. Cụ thể, tình huống thứ nhất khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng thì quy mô giường bệnh là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực; tình huống 2 là từ 50-100 ca nhập viện mới/ngày, 200-700 ca nội trú và 20-70 ca chuyển nặng, lúc này tổng số giường là 700, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực; tình huống thứ ba có 100-200 ca nhập viện mới/ngày và 700-1.400 ca điều trị nội trú, khoảng 70-140 ca nặng thì tổng số giường là 1.400 với 150 giường hồi sức tích cực.
Sở Y tế giao 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị ca nặng; còn lại phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, tới nay toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 11.000 ca TCM, trong đó có 7 ca tử vong với chẩn đoán TCM độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, các tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ. Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch một cách chủ động. Song song đó, phải tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Có chế độ thông tin báo cáo, bởi thực tế đã có tỉnh báo cáo chậm trễ, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch, cấp cứu điều trị.
Cũng theo bà Hương, vừa có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh TCM gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc-xin này sẽ được cấp phép. Trong thời gian chờ vắc-xin được cấp phép, các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị…
(Nguồn: giaoduc.edu.vn)
Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/benh-tay-chan-mieng-gay-nong-cac-benh-vien.htm