Thứ sáu, 07/06/2024, 11:30
Bên trong trung tâm điều khiển 17 đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên
Depot Long Bình là trung tâm điều khiển, bãi đỗ tàu, trạm vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa tàu của tuyến metro số 1 đến năm 2040.
Depot Long Bình có diện tích 20,9 ha đặt tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Nơi đây là 1 trong 10 depot theo quy hoạch phát triển đường sắt đô thị TP.HCM, được xây dựng nhằm phục vụ cho công tác khai thác, vận hành cho các tuyến đường sắt đô thị với tổng diện tích khoảng 222 ha.
Đây cũng là nơi bảo dưỡng các thiết bị khác của đường ray, hệ thống điện tín hiệu, thông tin liên lạc, bãi đỗ tàu, trạm vệ sinh tàu, mạng lưới đường nội bộ bên trong và bên ngoài khu vực, khu văn phòng.
Hiện đã có 17 đoàn tàu tập kết về depot Long Bình để kết nối các thiết bị điện. Khu vực bãi đỗ tàu có 30 đường (tương đương 30 đoàn tàu loại 6 toa). Mỗi đường đều có rãnh thoát nước chạy song song.
Khu vực bãi đỗ tàu metro có 30 đường đỗ, chứa được 30 đoàn tàu loại 6 toa, mỗi đường đều có rãnh thoát nước chạy song song.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 3 toa xe với chiều dài đoàn xe là 61,5 m.
Tàu có tốc độ thiết kế tối đa 110 km/h đối với đoạn trên cao và 80 km/h đối với đoạn ngầm.
Bên trong khu nhà xưởng rộng 4.000m2 là nơi bảo dưỡng, sửa chữa tàu.
Depot Long Bình bao gồm khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu bao gồm các tòa nhà vận hành và bảo dưỡng; xưởng chính bảo dưỡng tàu; các cơ sở hạ tầng bảo dưỡng các thiết bị khác của đường ray, hệ thống điện, tín hiệu, thông tin liên lạc; bãi đỗ tàu; trạm vệ sinh tàu; mạng lưới đường nội bộ bên trong và bên ngoài khu vực; khu văn phòng...
Hiện tại, depot Long Bình có các tòa nhà vận hành, xưởng chính, bãi đỗ, trạm vệ sinh, đường ray, hệ thống điện, tín hiệu... Tất cả đã hoàn thiện cơ bản.
Mới đây, ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phản hồi một số nội dung liên quan đến tiến độ, vướng mắc của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.
Ông Yamada Takio cho biết đến hết tháng 7, công tác thử nghiệm của toàn dự án mới hoàn thành, công tác đào tạo được thực hiện vào tháng 8-9, tháng 10-11 sẽ tiến hành công tác vận hành khai thác thử và đầu tháng 12 bàn giao cho Việt Nam để phục vụ công tác nghiệm thu, thẩm định, cấp chứng nhận an toàn theo quy định.
Do vậy, tuyến metro số 1 sẽ không kịp khai thác thử vào tháng 7 và đưa vào vận hành thương mại từ quý III như kế hoạch trước đó của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR). Sau khi phía Nhật Bản bàn giao, MAUR sẽ phải tiếp tục hoàn tất công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga. Điều này đồng nghĩa với việc sớm nhất phải đến cuối năm nay, tuyến metro số 1 mới được vận hành.
(Nguồn: tcdulichtphcm.vn)