Thứ năm, 20/04/2023, 16:30
Bến Tre lấy điện gió làm hạt nhân phát triển kinh tế biển
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh chủ trương phát triển điện gió; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng lấy điện gió làm hạt nhân phát triển kinh tế biển. Hiện nay, Bến Tre mới chỉ làm điện gió từ bờ trở ra khoảng 5 hải lý. Theo các chuyên gia tính toán, tiềm năng điện gió ở vùng biển Bến Tre rất lớn; có thể làm được điện ra khơi xa 30 hải lý.
Dự án điện gió ven biển Bến Tre - Ảnh: VGP/Hoàng Trung.
Theo khảo sát gần đây của các cơ quan chuyên môn, tỉnh Bến Tre hiện có 65 km đường bờ biển ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và tài nguyên gió phong phú. Với tốc độ gió trung bình 6,8 m/s là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án điện gió ở vùng ven biển.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển năng lượng sạch đối với biến đổi khí hậu, đồng thời với lợi thế sẵn có, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, ngày 16/10/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong đó nhấn mạnh đến năm 2025 triển khai các dự án điện gió, phấn đấu có ít nhất 1.500 MW được đưa vào vận hành khai thác.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải (220 kV, 500 kV) đồng bộ nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện gió lên lưới điện quốc gia.
Hiện toàn tỉnh có tổng số 19 dự án điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, với tổng công suất 1.007,7 MW. Đến nay, có khoảng 360MW đã lắp đặt hoàn chỉnh; trong đó, có 93,05MW được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) phát điện hòa vào lưới điện quốc gia (tháng 10/2021).
Có 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động toàn phần là Nhà máy điện gió Thạnh Hải 1 và Nhà máy điện gió V1-3 Ba Tri, với tổng công suất 59,4 MW. Ba nhà máy điện gió hoạt động một phần, gồm: Nhà máy điện gió VPL (giai đoạn 1), công suất 25,2 MW; Nhà máy điện gió Thạnh Hải 2, công suất 4,25 MW và Nhà máy điện gió Bình Đại, công suất 4,2 MW. Tổng cộng có 93,05 MW điện gió đang vận hành thương mại, với tổng sản lượng điện gió năm 2022 xấp xỉ 245 triệu kWh, chiếm 11,45% tổng sản lượng điện thương phẩm của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết: Đến nay, các dự án điện gió đã vận hành tạo ra hơn 270 triệu kWh và đóng góp ngân sách khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi dự án quy mô 30 MW phải trả chi phí thuê khu vực biển hàng năm khoảng 700 triệu đồng. So sánh với các cơ sở sản xuất công nghiệp thì nhà máy điện gió vừa không xả thải gây ô nhiễm môi trường lại vừa góp phần phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, dự án còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Người dân được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng dự án, giúp thuận tiện trong việc giao thương hàng hóa và phát triển du lịch.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, trước đây, gần như cả vùng biển ven bờ không làm được gì cả, người dân chủ yếu chỉ thả lưới bắt cá để kiếm sống. Bây giờ, tỉnh chủ trương phát triển điện gió; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng lấy điện gió làm hạt nhân phát triển kinh tế biển.
Hiện nay, Bến Tre mới chỉ làm điện gió từ bờ trở ra khoảng 5 hải lý. Theo các chuyên gia tính toán, tiềm năng điện gió ở vùng biển Bến Tre rất lớn; có thể làm được điện ra khơi xa 30 hải lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết thêm, địa phương đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất hydro xanh, công nghệ sản xuất của Đức. Tổng diện tích 22,7 ha, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Về sản phẩm, giai đoạn 1, nhà máy sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 150.000 tấn ammonia/năm, 195.000 tấn khí oxy/năm. Giai đoạn 2, nhà máy sản xuất 60.000 tấn hydro/năm, 375.000 tấn ammonia/năm, 490.000 tấn khi oxy/năm. Khi nhà máy hydro xanh đi vào hoạt động, tỉnh sẽ lấy một phần sản lượng điện gió ở ngoài biển cấp cho nhà máy, không bán hết cho công ty điện lực, tạo ra giá thành những sản phẩm rẻ hơn, cạnh tranh tốt ở thị trường thế giới.
(Nguồn: baochinhphu.vn)