Thứ năm, 16/02/2023, 06:00
Bất thường hàng loạt vụ mía bị cháy rụi ở Gia Lai
Ngay đầu năm, Gia Lai đã rơi vào tình trạng "báo động đỏ" khi hơn 30 vụ cháy mía liên tiếp xẩy ra bất thường ở phía Đông Nam của tỉnh, chưa rõ nguyên nhân.
Cháy mía nổ ra khắp nơi, chưa rõ thủ phạm
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra những vụ cháy mía có dấu hiệu bất thường so với mọi năm. Đặc biệt, các vụ cháy mía năm nay có quy lớn, liên tục đã thiêu rụi hàng trăm ha mía của người dân.
Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 3/2/2023 đã đưa tin, chỉ trong 3 ngày (26, 29 và 30/1), hơn 37,3ha mía của 28 hộ dân ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã bị thiêu rụi, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Đám cháy lan rộng rất nhanh, lây lan ra khắp các ruộng mía trên địa bàn xã Ia Piar. Nhiều cây mía bị cháy đen, trơ trụi trước sự bất lực của người dân.
Hàng trăm ha mía vùng Đông Nam của tỉnh Gia Lai bị "bà hỏa" thiêu rụi. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết, diện tích mía bị cháy vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều diện tích mía bị cháy có thể do người dân sinh hoạt bất cẩn để cháy, cộng với thời điểm đang vào mùa hanh khô nên ngọn lửa lan ra rất nhanh. Hơn nữa, những ruộng mía cháy lại rơi vào ban đêm nên khó xử lý.
Sau khi đã thiêu rụi hơn 30ha mía, khoảng 1 tuần sau, hỏa hoạn lại tiếp tục xẩy ra, gây thiệt hại gần 20ha mía chưa kịp thu hoạch cũng tại xã Ia Piar. Cụ thể, tối ngày 6/2, người dân tại khu vực phát hiện đám cháy lớn ở các rẫy mía tại thôn Plei Rbai. Nhận được tin báo, UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ đến hiện trường hỗ trợ người dân dập lửa.
Ông Siu Thiên, Chủ tịch UBND xã Ia Piar cho biết, vụ cháy xảy ra trong đêm tối giữa thời tiết hanh khô, gió mạnh nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chữa cháy đã phải dùng máy cày để tạo các đường ranh cản lửa nhằm khoanh vùng hiệu quả, tránh cháy lan trên diện tích rộng.
Mía bị cháy gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.
Chưa dừng lại, ngày 9/2, tại xã Hbông (huyện Chư Sê) lại tiếp tục xẩy ra vụ cháy mía nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ, đã có khoảng 21ha mía của 15 hộ dân ở đây đã bị thiêu rụi. Theo nhiều người dân cho biết, nếu đám cháy không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì diện tích mía cháy còn nhiều hơn nữa. Điều đáng nói, diện tích mía cháy đang chuẩn bị cho thu hoạch thì xảy ra sự việc đáng tiếc nên gây thiệt hại rất nặng.
Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, dịp trong và sau Tết Nguyên đán 2023, tổng diện tích mía bị cháy đến ngày 12/2 là 10,7ha, với sản lượng mía bị thiệt hại ước 1.141 tấn. Đến thời điểm hiện tại, mía bị cháy vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Do năng suất, chất lượng mía giảm nên ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng/ha.
Mía cháy không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thu mua của công ty sản xuất. Hiện nay, các công ty đã lên kế hoạch thu mua ngay các diện tích mía bị cháy tùy theo diện tích bị cháy và đảm bảo hài hòa cho người trồng mía trong vùng nguyên liệu yên tâm sản xuất.
Hỏa tốc triển khai phòng chống
Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình cháy mía trong vùng nguyên liệu ở Gia Lai diễn biến phức tạp, có dấu hiệu bất thường. Đến nay, đã có gần 30 vụ cháy mía xảy ra với diện tích thiệt hại hơn 270ha, tăng gần gấp 5 lần so với vụ mía năm 2022. Trong đó, huyện Phú Thiện có diện tích mía cháy nhiều nhất với hơn 100ha, ước tổng thiệt hại hơn 1,7 tỷ đồng.
Mía bị cháy khiến năng suất bị giảm. Ảnh: Tuấn Anh.
Trước tình hình trên, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu các Sở, ngành và địa phương tập trung triển khai công tác phòng, chống cháy mía trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các huyện, thị xã có sản xuất mía đường tổng hợp, báo cáo cụ thể tình hình mía cháy trên địa bàn từ đầu năm 2023 đến nay và kết quả chỉ đạo, xử lý.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đoàn thể, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy mía trong mùa khô. Việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; thông báo cho chủ mía liền kề và chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.
Kiểm tra, giám sát và yêu cầu các công ty, các nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân theo hợp đồng trồng mía mà nhà máy đã ký kết đầu tư; chỉ đạo phương thức thu mua, đảm bảo trật tự, an toàn cho vùng nguyên liệu mía, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía và nhà máy, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu mía trên địa bàn.
Các nhà máy đường đang đẩy mạnh thu mua mía sớm cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh khẩn trương, ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống cháy mía trong mùa khô. Xây dựng phương án và tổ chức thu mua mía kịp thời, công khai minh bạch trong xác định đúng chữ đường và tạp chất; thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân.
Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người trồng mía và người dân canh tác nông nghiệp ở khu vực lân cận các ruộng mía thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhất là vào các tháng mùa khô. Trên cơ sở kết quả báo cáo của các địa phương, Sở tổng hợp cụ thể tình hình mía cháy trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để tiếp tục chỉ đạo đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Ông Ksor Tin, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, toàn huyện đã thu hoạch được trên 546/1.114 mía, đạt trên 49% diện tích. Như vậy, diện tích mía hiện tại ở các xã, thị trấn chưa thu hoạch còn lớn. Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện bắt đầu nắng nóng, hanh khô nên rất dễ xảy ra tình trạng cháy mía, gây thiệt hại cho người trồng mía. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp về thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy mía.
Cụ thể, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy mía trong mùa khô; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Kiểm tra, giám sát và yêu cầu đơn vị thu mua đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân theo hợp đồng đã ký kết đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía và đơn vị thu mua trên địa bàn.
(Nguồn: nongnghiep.vn)
Link gốc: https://nongnghiep.vn/bat-thuong-hang-loat-vu-mia-bi-chay-rui-o-gia-lai-d343989.html