Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ bảy, 07/05/2022, 14:00

Bảo tồn nhà trình tường truyền thống của dân tộc Mông ở Đồng Văn

Hà Giang - Nói đến văn hóa của đồng bào Mông ở Đồng Văn không thể không kể đến kiến trúc của ngôi nhà trình tường truyền thống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhà trình tường đang dần bị thay thế bởi kiến trúc nhà hiện đại.

Nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang.

Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90% dân số. Họ có ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói, có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Nói đến văn hóa của đồng bào Mông không thể không kể đến kiến trúc của ngôi nhà trình tường truyền thống.  

Từ xa xưa, do môi trường sống trên các sườn núi cao, khí hậu khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của người Mông. Ngôi nhà trình tường thường được làm bằng đất, lợp ngói âm dương, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa Đông, mát trong mùa Hè.

Để tạo nên những bức trình tường độc đáo, người Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá, cỏ rác. Theo cách làm truyền thống, tất cả các khâu để hoàn thiện ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay. Để trình tường nhà, người dân phải làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng 0,45 - 0,5 m. Khi trình tường, mọi người đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nện chặt.

Người dân dựng nhà trình tường.

Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn không còn nhiều nhà trình tường giữ nguyên kiến trúc truyền thống. Một số nhà trình tường có có tuổi thọ hàng trăm năm đã bị xuống cấp theo thời gian như ở xã Lũng Táo...Ở những thôn, bản xa trung tâm, người dân thay thế ngói âm dương bằng các loại tấm lợp nên làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nhà trình tường.

Trước thực tế đó, huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, trong đó ưu tiên các giá trị văn hóa của dân tộc Mông. Đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn, gìn giữ và khôi phục kiến trúc nhà trình tường cổ, khoanh vùng bảo tồn nhà trình tường cổ có tuổi thọ cao tại một số xã như Sà Phìn, Lũng Táo, thị trấn Đồng Văn.

Tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, huyện có kế hoạch phục dựng, bảo tồn, nỗ lực giữ lại nguyên nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu truyền thống để làm nhà; tại một số xã, triển khai xây dựng nhà văn hóa là nhà trình tường truyền thống.

Đặc biệt, từ khi chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có công, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở được triển khai, huyện Đồng Văn đã vận động người dân, các hộ được hỗ trợ xây nhà theo kiến trúc truyền thống. Chủ trương này đã góp phần bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, được người dân đồng tình cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, cũng là mục tiêu phát triển du lịch của huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, tuyên truyền tới người dân để chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống.

Trải qua hàng thế kỷ, người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, thuận lợi hơn trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đây là nền tảng vững chắc để văn hóa đồng bào dân tộc Mông “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

(Nguồn: baohagiang.vn)

Link gốc: http://www.baohagiang.vn/van-hoa/202205/bao-ton-nha-trinh-tuong-truyen-thong-cua-dan-toc-mong-o-dong-van-c31701a/

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829