Thứ tư, 17/11/2021, 10:52
Bánh tò te Thanh Ba, nét tinh tế trong ẩm thực của người dân đất Tổ
Nếu ai đã từng về Thanh Ba – Phú Thọ, từng một lần thưởng thức bánh tò te, thứ bánh “nhuộm” cả quê hương hồn hậu hẳn sẽ nhớ mãi hương vị của nó. Ngay từ cái tên gọi nghe vui tai, lạ miệng bánh tò te cũng gợi cho người ta tò mò về một loại bánh rất đặc trưng của miền quê đất Tổ.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng "bánh tò te được coi là đặc sản của người dân Thanh Ba. Đây không chỉ là món ăn thường được làm vào dịp tết Đoan Ngọ mà nhu cầu sử dụng bánh gần như quanh năm". Sản phẩm bánh tò te rất độc đáo, thể hiện sự tinh tế và khéo léo của người làm bánh.
Nguyên liệu chính là đỗ đen và gạo nếp được cuốn trong lá chuối, tất cả quyện với nhau tạo nên hương vị dân dã rất đặc biệt. Lấy cây gùn, hoa gùn phơi khô đốt lấy gio, làm nhỏ gio, trộn lẫn gạo nếp. Gạo nếp phải là loại đều hạt, đỗ đen phải được ngâm qua một đêm cho mềm, rồi trộn đều với muối hạt cho đậm đà.
Sau đó đem tất cả nguyên liệu cuốn trong lá chuối, dùng lạt giang buộc chặt lại, tất cả quyện với nhau tạo nên hương vị dân dã rất đặc biệt. Khi nhìn thấy bánh Tò Te, người ăn sẽ rất ấn tượng bởi bánh có hình tựa như cái phễu, nhỏ nhắn xinh xinh. Do bánh có hình cái phễu nên lá bánh cũng được cuốn theo hình trôn ốc.
Bánh tò te không chỉ là món ăn thường được làm vào dịp tết Đoan Ngọ mà nhu cầu sử dụng bánh gần như quanh năm.
Cũng theo chia sẻ của những người làm bánh lâu năm trong làng cho biết: Sở dĩ bánh có tên gọi tò te là bởi vì bánh được gói từ lá chuối, mà lá chuối trong trò chơi dân gian trẻ con thường dùng để cuộn lại, thổi kèn phát ra âm thanh “tò te…tò te”, có lẽ cái tên bánh cũng xuất phát từ cách lý giải thân thương đó.
Nói về công đoạn để cho ra lò những chiếc bánh tò te thì không hề đơn giản, đòi hỏi người gói bánh phải khéo léo, tinh tế thì bánh mới đẹp mắt và dẻo thơm.
Để bánh được đẹp, người gói bánh phải có độ chặt tay nhất định để khi bánh chín không bị rách lá và méo mó. Công đoạn cuối cùng là xếp bánh vào nồi và luộc chín bánh, theo những người dân làng có kinh nghiệm, chỉ cần đun từ ba đến bốn tiếng, khi thấy khói bốc nghi ngút, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt là lúc bánh đã chín.
Để bánh được đẹp, người gói bánh phải có độ chặt tay nhất định.
Chiếc bánh tò te được vớt ra phải giữ được màu xanh mướt của lá chuối, bánh chín mềm, có màu trong xanh của gạo nếp, màu tím của đỗ đen, bánh mềm mà béo ngậy, ngọt bùi, cắn miếng bánh phải dẻo thơm, thế mới đạt tiêu chuẩn.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, ai ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng với những xô bồ, lo toan, vất vả... Thế nhưng, ngày Tết Đoan Ngọ, dù ở đâu, làm gì, cũng đừng quên ăn bánh tò te. Đó không chỉ là thưởng thức một nét văn hoá ẩm thực cổ truyền, mà còn là lưu giữ một phong tục đẹp của ông cha.
Cầm chiếc bánh tò te, bóc dần dần từng lớp lá bánh, lộ ra bên trong một màu tím tím rất bắt mắt chỉ muốn ăn ngay, ăn miếng bánh mà nhuốm cả hương vị quê hương lẫn tình cảm hồn hậu của con người nơi đây mà không thứ bánh nào có được như thế.
Bánh tò te, một món quà đặc sản chứa đựng tình cảm quê hương, mang cái hồn mộc mạc của con người đất Tổ từ một ngôi làng còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, làng nghề truyền thống từ thời đại các vua Hùng dựng nước.
(Nguồn: thuonghieuvaphapluat.vn).