Thứ sáu, 25/02/2022, 06:00
Vụ bác sĩ 'dỏm' điều trị F0: Ai có trách nhiệm liên đới?
Dư luận đang hết sức quan tâm vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm (sinh năm 1996, quê Bình Thuận) mạo danh bác sĩ để vào khu điều trị F0 ở TP HCM, phát thuốc cho F0, ra y lệnh và thậm chí còn được khen thưởng!
Trong khi có người cho rằng, nói dối là sai và cần phê phán nhưng nói dối để được cống hiến, để được phục vụ và làm việc nơi bệnh dịch đang lây lan trong bối cảnh khẩn cấp thì cũng chấp nhận được thì đa số bày tỏ quan điểm không đồng tình.
"Tinh thần là tốt, nhưng người không có chuyên môn mà lại làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh thì vô cùng nguy hiểm. Khi đó, cậu ta sẽ "cứu người" hay "hại người" cũng chưa biết được”, bạn đọc Nguyễn Hữu Thùy Giang ở Thừa Thiên Huế nêu quan điểm.
“Cần phải làm rõ chuyện này, công ra công mà tội phải ra tội. Chưa kể có một số thông tin lùm xùm quanh việc Khiêm liên quan tới tiền bạc và trang thiết bị máy móc y tế…", bạn đọc Vũ Hữu Thắng ở Lạng Sơn bày tỏ.
Bác sĩ "dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm trên trang báo viết về khu cách ly quận 12.
Hiện các cơ quan chức năng (y tế, đào tạo, công an, chính quyền…) đang khẩn trương điều tra, xác minh để tránh các trường hợp tương tự xảy ra (nếu có).
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo thông tin ban đầu, có thể thấy rõ tội danh của Khiêm là giả mạo giấy tờ, hồ sơ; giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Tuy nhiên, nếu quá trình xác minh và điều tra, cơ quan chức năng nhận thấy mục đích của Khiêm chỉ là để được làm tình nguyện viên chống dịch với những công việc lặt vặt, không đòi hỏi chuyên môn, thì chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Thắng, với mục đích làm giả giấy tờ, hồ sơ của Khiêm để được vào khu cách ly Trường cao đẳng Điện lực TP HCM và thực hiện những công việc đòi hỏi chuyên môn cao với danh xưng "thạc sĩ - bác sĩ" thì đã có dấu hiệu của "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Bên cạnh đó, theo Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), việc Khiêm mạo danh thạc sĩ, bác sĩ và thực hiện các công việc đòi hỏi phải có chuyên môn của bác sĩ là hành vi có dấu hiệu của tội "giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác".
Nếu hành vi làm giả giấy tờ, mạo danh để vào khu cách ly với động cơ vụ lợi, tìm cách lấy tiền của người bệnh thì chuỗi hành vi này mang đầy đủ bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này, Khiêm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng lúc hai tội: Tội làm giả giấy tờ và tội lừa đảo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc tội làm giả giấy tờ và tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Đáng chú ý, trong quá trình giả mạo bác sĩ, Khiêm được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến… Đây là người không có thật do mọi giấy tờ, hồ sơ của Khiêm để chứng minh mình là bác sĩ đều là giả nên Khiêm không phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Nếu trong quá trình giả mạo, "bác sĩ Khiêm" có hành vi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… gây hậu quả chết người cũng chưa thể quy hết trách nhiệm cho Khiêm được vì trong khu cách ly, điều trị COVID-19 còn có rất nhiều nhân viên y tế chính quy, chuyên nghiệp khác.
Diện mạo "bác sĩ" Khiêm
“Việc xác định Khiêm gây ra hậu quả cần phải được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ”, Luật sư Thắng nhấn mạnh.
Ai có trách nhiệm liên đới?
Luật sư Thắng phân tích, để đủ điều kiện vào khu cách ly, chỉ từ một tấm ảnh thẻ giả mạo Nguyễn Quốc Khiêm đã có tên trong danh sách 8 sinh viên tham gia hỗ trợ do chính Đại học Y Dược TP HCM giới thiệu. Nếu điều tra, xử lý hành vi phạm tội của Khiêm thì cũng cần quy rõ trách nhiệm của Trường Đại học Y Dược TP HCM.
Ngoài ra, cũng cần xem xét việc sau khi được giới thiệu sang quận 12 hỗ trợ chống dịch, vì là sinh viên, công việc chính của Khiêm là lau dọn, đo huyết áp… chứ không có quyền hạn điều trị. Nhưng tại khu cách ly, điều trị, vì sao Khiêm lại được quyền chỉ đạo, phân công giải quyết các vấn đề chuyên môn? Dù thực tế, từ tháng 7/2021, Khiêm chỉ ở khu cách ly F1, mới được phân công qua khu cách ly điều trị F0 vài ngày đã bị phát hiện.
(Nguồn: Báo Lào Cai)