Thứ hai, 24/06/2024, 09:30
Ánh sáng xanh làm tăng nguy cơ mắc ung thư?
Thời công nghệ, không có gì lạ khi hầu hết chúng ta dành nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình. Và điều đó dĩ nhiên có hại cho mắt của chúng ta.
Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có liên quan đến các vấn đề như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. (Ảnh: ITN).
Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có liên quan đến các vấn đề như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Một số người có vấn đề về giấc ngủ. Bài viết này cung cấp những thông tin bạn cần biết về tác hại của ánh sáng xanh.
Ánh sáng xanh và đôi mắt của bạn
Với số lượng lớn, ánh sáng năng lượng cao từ mặt trời - như tia cực tím và ánh sáng xanh - có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt. Điều đó làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu ánh sáng xanh từ màn hình kỹ thuật số có gây hại hay không. Vấn đề này cần nhiều nghiên cứu hơn.
Các chuyên gia cho rằng chứng mỏi mắt do thiết bị kỹ thuật số, hay hội chứng thị giác máy tính, ảnh hưởng đến khoảng 50% người dùng máy tính. Các triệu chứng bao gồm khô mắt, kích ứng và mờ mắt.
Ánh sáng xanh cũng có thể làm hỏng võng mạc của bạn. Tình trạng này gọi là độc tính quang học. Mức độ thiệt hại phụ thuộc vào bước sóng và thời gian tiếp xúc.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy ngay cả việc tiếp xúc trong thời gian ngắn (vài phút đến vài giờ) cũng có thể gây hại. Một bộ lọc cắt giảm 94% ánh sáng xanh đã được chứng minh là làm giảm thiệt hại.
Có bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh dẫn đến thay đổi thị lực vĩnh viễn. Hầu như tất cả ánh sáng xanh đều truyền thẳng vào phía sau võng mạc của bạn. Một số nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng, một bệnh về võng mạc.
Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh dẫn đến thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác hoặc AMD (nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực trung tâm không thể cải thiện được ở những bệnh nhân cao tuổi).
Một nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh kích hoạt giải phóng các phân tử độc hại trong các tế bào cảm quang. Điều này gây ra thiệt hại có thể dẫn đến AMD.
Ánh sáng xanh và giấc ngủ
Thời gian sử dụng màn hình, đặc biệt là vào ban đêm, có liên quan đến giấc ngủ kém. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử làm rối loạn nhịp sinh học hoặc chu kỳ giấc ngủ của bạn. Nó báo hiệu cho bộ não của bạn thức dậy khi đáng lẽ nó phải nghỉ ngơi.
Để bảo vệ đôi mắt cho con, bạn nên giới hạn thời gian con sử dụng thiết bị điện tử. (Ảnh: ITN)
Trong một nghiên cứu, chỉ cần 2 giờ tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm sẽ làm chậm hoặc ngừng giải phóng hormone melatonin khi ngủ. Tốt nhất hãy tắt nguồn các thiết bị kỹ thuật số của bạn ít nhất 3 giờ trước khi ngủ. Mẹo này giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ánh sáng xanh và ung thư
Tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Một nghiên cứu cho thấy những người làm việc ca đêm có nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng cao hơn.
Ánh sáng xanh và trẻ em
Mắt của con không lọc ánh sáng xanh tốt như mắt của bạn. Quá nhiều thông tin từ màn hình thiết bị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cận thị và các vấn đề về tập trung chú ý.
Đặc biệt, vào ban đêm, ánh sáng xanh có thể khiến cơ thể trẻ giải phóng melatonin chậm hơn so với cơ thể người lớn.
Để bảo vệ đôi mắt cho con, bạn nên giới hạn thời gian con sử dụng thiết bị điện tử, thậm chí yêu cầu con cất tất cả các thiết bị điện tử, bao gồm thiết bị chơi game cầm tay, ra xa tầm với ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
Ánh sáng xanh và sức khỏe tâm thần
Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm trong các nghiên cứu trên động vật. Nhưng tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày có thể có tác dụng ngược lại.
Nó được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, hay SAD. Đó là một dạng trầm cảm liên quan đến sự thay đổi của các mùa. Nghiên cứu cho thấy 20 phút tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi sáng giúp giảm bớt các triệu chứng SAD.
(Nguồn: giaoducthoidai.vn)
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/anh-sang-xanh-lam-tang-nguy-co-mac-ung-thu-post688682.html