Thứ sáu, 10/01/2025, 08:30
2025 - Năm quốc tế bảo tồn sông băng
Băng ở sông băng là nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất trên trái đất. Tuy nhiên, 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và hệ sinh thái.
Các nhà khoa học làm công tác nghiên cứu tại một sông băng. Ảnh: CBC.
Theo các nhà khoa học, nếu sông băng trên thế giới tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao hàng chục mét, nhấn chìm nhiều thành phố ven biển, gây lũ lụt rất lớn, con người sẽ phải đối mặt với những thách thức di cư và sinh tồn chưa từng có.
Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến sự biến mất của hàng nghìn sông băng trên toàn thế giới kể từ năm 2000. Nếu tình hình tiếp tục và lượng khí thải nhà kính không giảm thiểu đáng kể, ít nhất một nửa sông băng trên trái đất sẽ biến mất vào năm 2100.
Trong đó, 80% sông băng trên dãy núi Alps huyền thoại dài nhất châu Âu có khả năng biến mất vào năm 2100.
Trong số những sông băng trong danh sách "biến mất" có sông băng Pizol ở Thụy Sĩ (năm 2019), sông băng Sarenne ở Pháp (năm 2023), sông băng Anderson ở Mỹ (năm 2015) và sông băng Martial Sur ở Argentina (năm 2018)...
Dải băng Greenland mất 4.890 tỷ tấn băng kể từ năm 1990 và lớp băng Nam Cực mất khoảng 2.670 tỷ tấn băng trong giai đoạn 1992 - 2020.
Khi các sông băng co lại, chúng cung cấp ít nước tan hơn, ảnh hưởng đến các con sông và nguồn cung cấp nước mà con người và động vật hoang dã phụ thuộc.
Trong những năm gần đây, thế giới ghi nhận những biến động nguy hiểm về nguồn cung cấp nước với lũ lụt trong thời kỳ băng tan nhanh, tiếp theo là hạn hán trong những tháng mùa hè khi các sông băng không còn cung cấp đủ nước.
Sông băng trên dãy Alps đang dần biến mất. Ảnh: Reuters.
Trước thực trạng trên, tại phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 2022, Đại hội đồng quyết định tuyên bố năm 2025 là Năm quốc tế bảo tồn các sông băng và công bố ngày 21/3 hằng năm là Ngày thế giới bảo tồn các sông băng và sẽ được tổ chức bắt đầu từ năm 2025.
Những sự kiện trên nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của sông băng, tuyết và băng trong hệ thống khí hậu và chu trình thủy văn cũng như tác động kinh tế - xã hội và môi trường của những thay đổi sắp xảy ra trong tầng băng của trái đất.
Cạnh đó, sự kiện khuyến khích trao đổi kiến thức và các hoạt động thực hành tốt nhất liên quan đến các chiến lược bảo tồn và thích ứng với sông băng.
Ngoài ra, vào tháng 8 năm ngoái, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố giai đoạn 2025 - 2034 là thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển, nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến tình trạng sông băng tan chảy và những thay đổi đối với băng quyển bằng cách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát liên quan, kêu gọi giảm thiểu khí thải để cứu sông băng toàn cầu.
(Nguồn: baoquangnam.vn)
Link gốc: https://baoquangnam.vn/2025-nam-quoc-te-bao-ton-song-bang-3147259.html