Đang tải ...
  
Kinh doanh Tài chính

Thứ hai, 15/05/2023, 12:30

Tác động với thế giới khi Mỹ không thể nâng trần nợ công

Chính phủ Mỹ có thể bước vào giai đoạn cạn tiền nếu Quốc hội nước này không nâng trần nợ công vào cuối tháng 5. Vậy viễn cảnh Mỹ vỡ nợ sẽ tác động thế nào đến thế giới?

Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trần nợ công của Mỹ 

Quốc hội Mỹ lần đầu đưa ra khái niệm trần nợ công vào năm 1917. Đây là mức tiền tối đa mà một chính phủ có thể vay mượn. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ không còn cần sự thông qua của các nhà lập pháp đối với mọi vấn đề nợ. Đạo luật nợ công của Mỹ được thông qua vào năm 1941.

Trong 7 thập niên qua, trần nợ công tại Mỹ được nâng tới 78 lần. Mức trần nợ công hiện tại vào tháng 1 là 31,4 nghìn tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7/5 cho biết đến đầu tháng 6, Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các hóa đơn. Thời hạn để Quốc hội Mỹ ra quyết định nâng trần nợ công đang đến gần, nếu không thống nhất được điều này, chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạn cạn tiền và vỡ nợ.

Các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm 9/5 tại Nhà Trắng để giải quyết bất đồng liên quan đến nâng trần nợ công. Tuy nhiên, kết quả là cuộc gặp không đạt được đột phá lớn.

Tác động kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7/5 cảnh báo rằng đàm phán về trần nợ công không nên diễn ra với “một khẩu súng chĩa vào đầu người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”. Bộ Tài chính Mỹ dự đoán rằng chính phủ nước này sẽ bắt đầu cạn tiền mặt từ 1/6. Kênh DW (Đức) đánh giá điều này có thể gây ra hậu quả tác động rộng rãi đến Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Tình trạng thiếu vốn sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ ưu tiên chi tiêu để thực hiện trước trả nợ và trả lãi. Điều này đồng nghĩa với việc trì hoãn trả lương cho hàng chục triệu lao động trong lĩnh vực công. Chi trả an sinh xã hội và trợ cấp y tế cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương, trong đó có cựu chiến binh, cũng mang rủi ro bị trì hoãn.

Mặc dù khoản nợ nào không được thanh toán có thể chỉ là tạm thời nhưng các cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng ngay cả một vụ vỡ nợ "ngắn" cũng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất 500.000 việc làm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN.

Họ cho rằng vỡ nợ kéo dài có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6% và mất 8,3 triệu việc làm. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, Mỹ sẽ buộc phải ngừng vay nợ hoàn toàn vào tháng 7 hoặc tháng 8, điều này được dự đoán sẽ gây ra làn sóng chấn động hơn nữa với thị trường tài chính toàn cầu.

Sau đó, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò là nền tảng cho hệ thống tài chính thế giới. Việc vỡ nợ có thể làm suy yếu nghiêm trọng thương mại toàn cầu và đẩy phần còn lại của thế giới vào một cuộc suy thoái sâu.

Một vụ vỡ nợ nghiêm trọng hơn sẽ khiến đồng USD Mỹ sụt giảm mạnh, gây ra biến động hỗn loạn về tỷ giá hối đoái, đồng thời làm tăng giá dầu và các hàng hóa khác.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và đảng Cộng hòa từ chối tăng trần nợ công nếu không cắt giảm ngân sách.

Tổng thống Biden trong khi đó khước từ đàm phán và ông nói rằng trần nợ công cần được nâng không cần điều kiện kèm theo và sau đó ông sẽ thảo luận khả năng cắt giảm ngân sách.

Tổng thống Biden muốn đảng Cộng hòa cam kết công khai rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ và có thể tiếp tục thanh toán mọi hóa đơn nhờ khả năng tiếp tục vay nợ.

Năm 2011, khi ông Biden giữ vị trí phó tổng thống, chính quyền ông Barack Obama đã buộc phải nhượng bộ trước đảng Cộng hòa để tránh vỡ nợ và Tổng thống Biden muốn tránh lặp lại tình trạng leo thang đó.

(Nguồn: baotintuc.vn)

Link gốc: https://baotintuc.vn/the-gioi/tac-dong-voi-the-gioi-khi-my-khong-the-nang-tran-no-cong-20230511210536055.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829