Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ năm, 15/06/2023, 14:00

Những người đóng ghe lườn mũi đỏ cuối cùng

Thời ghe sắt thịnh hành, xóm đóng ghe gỗ truyền thống hàng trăm năm tuổi nức tiếng ở xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An giờ thưa dần tiếng cưa, bào, đục,... Nhiều nghệ nhân cả đời gắn bó nay phải giải nghệ, tìm kế mưu sinh khác.

“Ghe ai đỏ mũi trảng lườn”

Chiếc ghe gỗ 20 tấn loại dùng để chở tro của một chủ cơ sở từ tỉnh Vĩnh Long giảm tốc độ rồi neo đỗ dưới bến xưởng đóng tàu của anh Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi) giữa những ngày đầu tháng 6. Do tại xưởng có một ghe khác đang được sửa chữa dở dang nên chiếc ghe đến sau phải chờ đến lượt. “Hôm nay đông vậy chứ ngày thường ế khách lắm, như tháng rồi chỉ có 2 chiếc đến sửa, doanh thu chỉ vài chục triệu đồng”, chủ xưởng chia sẻ.

Từng một thời vàng son, nhưng nhiều năm nay, xưởng chủ yếu sửa tàu.

Bên trong xưởng tàu, bà Võ Thị Màu (64 tuổi) cùng 2 phụ nữ khác bịt kín mặt để tránh cái nắng như thiêu đốt, vừa dùng đục trám dầu chai vào các khe hở trên thân tàu. Bà Màu gắn bó với nghề đóng tàu đã gần 50 năm, là thành viên kỳ cựu nhất của nhóm công nhân. Công việc chính của bà mỗi ngày là dùng đục loại bỏ dầu chai cũ trên thân ghe, sau đó trám trét mới để ghe không thấm nước qua các kẽ hở ở mối nối ván gỗ.

“Quanh năm chân tay lấm lem dầu chai, mùi bám cả vào quần áo nên đi ra đường khỏi nói ai cũng biết tôi làm ở xưởng tàu” - bà Màu tươi cười nói và cho biết thợ nữ được trả công 250.000 đồng/ngày.

Trong khi nhóm nữ công nhân làm việc ở đuôi tàu, ông Lê Văn Chồn (61 tuổi, thợ cả) cùng 3 thợ phụ lần lượt dùng cưa loại bỏ các tấm be gỗ đã hư hỏng, rồi đo, bào, thay thế bằng những tấm gỗ mới. Ông Chồn làm thợ đóng tàu đã hơn 50 năm, mỗi ngày được chủ trả lương 430.000 đồng cộng với bao ăn trưa. “Hơn 10 năm trước, hầu như tháng nào tôi cũng kín lịch làm, giờ có tháng chỉ làm 15 ngày, 4 người con trai của tôi cũng chỉ có con lớn là theo nghề vì ít việc quá” - ông Chồn nói.

Từ lâu, ghe mũi đỏ Cần Đước nổi tiếng khắp sông nước miền Tây: "Ghe ai đỏ mũi trảng lườn. Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em".

Đây là loại ghe với thiết kế mũi cong vút, “nhảy sóng” tốt, gặp sóng to, gió lớn vẫn vững vàng cùng đôi mắt ghe to tròn sinh động, còn được gọi là “mắt đảo mèo” để phân biệt với loại mắt có đuôi nhọn của ghe xứ khác.

Nguy cơ mai một

Nghề đóng tàu của gia đình anh Sơn là nghề cha truyền con nối ở địa phương. Sau nhiều năm theo học, 10 năm trước, vợ chồng anh bắt đầu ra mở xưởng riêng. Do gỗ hiện tại hiếm và giá thành khá cao nên anh thường xuyên mua các ghe cũ về cạy, lựa những tấm gỗ còn tốt để tái sử dụng. Gỗ sao, căm xe có đặc tính chịu nước tốt lại có độ cứng, vừa dẻo dai để dễ dàng uốn cong tạo hình là những loại thường được dùng để đóng tàu.

Tùy theo tải trọng (từ 20 đến 200 tấn) cùng mức độ hư hại, mất từ 5 ngày đến 1 tháng để thay be, đà, xảm trét mới sửa xong, chi phí mỗi chiếc từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Những năm gần đây, ghe sắt bắt đầu được sử dụng rộng rãi, có giá thành rẻ hơn, tải trọng lớn hơn. Ngoài ra, khi hư hỏng đoạn nào chỉ cần dùng sắt hàn lại, trong khi ghe gỗ có nhiều công đoạn phức tạp hơn như phải dùng lửa uốn cong gỗ, mất thời gian lẫn chi phí.

Công nhân làm việc tại xưởng đóng tàu.

Anh Sơn cho hay, dù luôn có đội ngũ thợ lành nghề túc trực nhưng gần như 10 năm nay họ chỉ sửa tàu chứ chưa có đơn đóng mới nào.

Cách đó không xa, xưởng đóng tàu của lão nghệ nhân Nguyễn Văn Gấm (78 tuổi, cha vợ anh Sơn) đã bỏ không nhiều năm nay. Ụ tàu (nơi đưa tàu ghe vào sau đó xả nước, đóng đập để sửa chữa) sau thời gian ế ẩm đã bị lấp bỏ. Hai xưởng khác của anh em ông Gấm cũng cùng chung số phận.

Trong ký ức của ông Gấm, thời vàng son 15, 20 năm trước khi chưa có xà lan sắt, bình quân mỗi ngày tại xưởng có 20-30 nhân công làm việc nhộn nhịp. Lúc nào trong xưởng cũng có 5-7 tàu loại 100 tấn trở lên xếp hàng dài. Do thời này chưa có máy móc nhiều nên toàn bộ các khâu từ kéo tàu lên bờ đến đục, cưa, bào đều làm bằng tay. Thợ cả dùng kinh nghiệm lâu năm, không cần bản vẽ mà chỉ “đo” ước chừng bằng mắt rồi giao phần việc cho các thợ con.

Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Nguyễn Văn Minh cho biết, nghề đóng ghe lườn mũi đỏ tại xã có truyền thống trên 100 năm. Thời sôi động, hầu hết trên địa bàn 7 ấp đều có cơ sở đóng tàu gỗ, số lượng lên đến vài chục xưởng lớn, nhỏ. Theo quy luật thị trường, ghe sắt được ưa chuộng hơn nên nghề đóng ghe gỗ cũng dần mai một. Hiện tại, xã chỉ còn 2 cơ sở đóng ghe gỗ truyền thống thường xuyên hoạt động, chủ yếu là sửa chữa, nhiều thợ đóng tàu giỏi lâu năm cũng phải bỏ nghề, tìm kế mưu sinh khác.

(Nguồn: baolongan.vn)

Link gốc: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-dong-ghe-luon-mui-do-cuoi-cung-a157256.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Thương lái lúa gạo sẽ phải có 'giấy phép hành nghề'?

An Giang mùa trâm chín

Gà Mã Đà đẹp như chim, có nguy cơ tuyệt chủng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829