Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 12/04/2023, 14:30

Xây dựng thương hiệu cho làng nghề trầm hương nổi tiếng

Được đánh giá là làng nghề trầm hương lớn nhất cả nước, các xã Phú Trung, Phú Sơn của huyện Tân Phú (Đồng Nai) là nơi cung cấp các sản phẩm liên quan đến trầm như: cây giống, thuốc tạo trầm, trầm thô, tinh dầu, nước cất…

Xưởng sản xuất trầm hương tại xã Phú Trung. Ảnh: N.LIÊN.

Với hàng trăm cơ sở cung cấp, sản xuất các loại từ cây giống cho đến sản phẩm từ trầm hương, khu vực xã Phú Trung và Phú Sơn đã hình thành nên làng nghề trầm hương nổi tiếng.

Nghề bỏ vốn tiền tỷ

Để có được sản phẩm trầm hương, người nông dân phải mất 10 năm để trồng cây dó bầu. Sau khi đã đủ tuổi tạo trầm, cây dó bầu được cấy một loại tinh chất, sau 18 tháng, một lớp trầm hương mỏng được tạo ra trên cây dó bầu. Do nhu cầu trầm hương trên thị trường rất lớn, một số hộ dân không đủ đất để trồng cây dó bầu nên đã phải tìm mua những vườn cây đủ từ 10 năm tuổi trở lên để có thể rút ngắn thời gian tạo trầm (chỉ còn 18 tháng tính từ lúc cấy tinh chất tạo trầm). Theo một số hộ dân, để đầu tư vườn trầm hương, người dân phải chi tiền tỷ để chăm sóc từ lúc cây còn nhỏ hoặc mua vườn cây dó bầu trưởng thành, đủ tuổi tạo trầm.

Để có được những vườn cây dó bầu, nghề làm cây giống cũng sôi động không kém các cơ sở sản xuất trầm hương. Ông Phạm Văn Hòa, chủ vườn cây dó bầu giống cho biết, mỗi năm ông Hòa cung cấp ra thị trường từ 60 ngàn cây giống. Cây dó bầu giống có chiều cao từ 30cm trở lên sẽ được bán ra thị trường, tùy vào chiều cao của cây giống mà giá bán sẽ khác nhau, mỗi cây có giá từ 3,5 ngàn đồng đến cả triệu đồng. Theo ông Hòa, mỗi năm khu vực xã Phú Trung cung cấp cho thị trường từ 500-600 ngàn cây giống.

Tại các cơ sở sản xuất trầm hương luôn có hàng chục người thợ đang thực hiện các công đoạn bổ, đục, đẽo và sủi trầm. Làng nghề trầm hương của Tân Phú cũng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Bà Đinh Thị Thu Hương, chủ một cơ sở sản xuất trầm hương lâu năm tại đây cho biết, xưởng sản xuất trầm hương của bà luôn có trên dưới 20 nhân công lao động, ngày lương mỗi nhân công từ 250-300 ngàn đồng/người. Theo bà Hương, cơ sở của bà chuyên sản xuất trầm thô cung cấp cho thương lái bán sang Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Đây là những thị trường tiêu thụ trầm hương chính của các cơ sở sản xuất trầm hương trong vùng.

Tạo thương hiệu cho trầm hương

Qua các công đoạn: bổ, đục, đẽo và sủi trầm, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm. Ông Lê Minh Hậu, thợ bổ trầm hương cho biết, người thợ có thâm niên và tay nghề tốt sẽ biết cách phân biệt những cây có lớp trầm dày hoặc mỏng, non hay già… Khi bổ trầm phải nhìn chất lượng, đặc điểm từng cây để có cách bổ hợp lý, tạo được những miếng trầm thô chất lượng nhất.

Sủi trầm, công việc nhẹ nhàng được nhiều phụ nữ chọn. Ảnh: N.LIÊN.

Với đủ các quy trình từ nguyên liệu cây giống đến cây thành phẩm, làng trầm hương Tân Phú ngày càng được biết đến là làng trầm hương lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, dù có nguồn cung cấp dồi dào nhưng đến nay, ngoài một cơ sở có sản phẩm từ trầm được chứng nhận đạt OCOP 4 sao thì hàng trăm cơ sở sản xuất trầm giống khác vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Theo bà Đinh Thị Thu Hương, các cơ sở lâu nay sản xuất ra trầm thô thường đóng gói để sẵn, chờ thương lái tới mua. Mọi giá cả đều do thương lái quyết định. “Chúng tôi đang hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, trong khi đó các sản phẩm của bà con ở đây đều được xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa chỉ xuất khẩu qua thương lái nên giá cả không được cao như kỳ vọng” - bà Hương cho biết thêm.

Ông Trần Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất thuốc tạo trầm cho biết, sản phẩm của người dân đều bảo đảm các thủ tục, nguồn gốc cũng như các công đoạn kiểm tra chất lượng từ các cơ quan chức năng. Theo ông Quyến: “Bà con mong muốn các cơ quan chức năng có hướng hỗ trợ trong xúc tiến thương mại để trầm hương của bà con nơi đây được xuất khẩu sản phẩm trầm chính ngạch, tạo được thương hiệu riêng, nâng cao giá trị hàng hóa cho trầm hương Tân Phú”.

Đến nay, xã Phú Trung có sản phẩm tinh dầu trầm hương đạt chuẩn OCOP 4 sao, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Người tạo được thương hiệu tinh dầu trầm hương này là ông Trương Thanh Khoan, người sáng lập Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan, ông cũng là người đầu tiên tạo ra chế phẩm vi sinh kích thích tạo trầm trên cây dó bầu từ nhiều năm nay.

(Nguồn: Đồng Nai Online).

Link gốc: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202304/xay-dung-thuong-hieu-cho-lang-nghe-tram-huong-noi-tieng-3162714/

Chia sẻ
Tags:

Xem nhiều

Lộ diện linh vật rắn đang gây sốt mạng ở Quảng Trị

Vì sao 8 năm liền không có ngày 30 Tết?

Thợ cắm lan 'chạy sô', kiếm cả trăm triệu mùa tết

Độc đáo nghề làm giấy giang của người H’Mông ở Hòa Bình

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829