Thứ năm, 13/07/2023, 06:30
Vấn nạn ngập lan sang các đô thị mới
Những đô thị mới như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Bảo Lộc, Cần Thơ, thậm chí cả Thủ Thiêm… đều ngập nặng sau mưa.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân do công tác quản lý đô thị yếu hay quy hoạch xây dựng đô thị? Làm thế nào để vấn nạn ngập sẽ không trở thành căn bệnh trầm kha tại các thành phố mới?
Cuộc sống đảo lộn, quay cuồng vì ngập
Chân cầu Ba Son xuất hiện ngập nặng sau mưa và trở thành điểm ngập mới ở TP.HCM sau một năm. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ngay cả ở những nơi chưa từng ngập, gần đây cứ hễ mưa là người dân lại chịu cảnh lội bì bõm, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn và việc đi lại rất khó khăn.
Đô thị Thủ Thiêm đang xây đã ngập
Nhiều tuần qua, hình thái thời tiết sáng nắng, chiều mưa duy trì tại các tỉnh, thành Nam Bộ và TP.HCM.
Mưa dông với lượng mưa lớn từ 50-100mm đã khiến hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng, đặc biệt là tại các khu đô thị mới như Thủ Thiêm. Đáng chú ý, đây chưa phải lượng mưa lớn nhất trong năm.
Chuyển nhà đến TP Thủ Đức được tròn hai năm, chị Phạm Ngọc Linh (28 tuổi, làm việc tại quận 4) cho biết rất hài lòng với nơi sống mới. Song, tưởng chừng mức phí bỏ ra cao hơn để thoát cảnh chen chúc nội thành, thì đầu mùa mưa năm nay, chị lại đối mặt với một vấn đề khác.
Thay vì rút ngắn thời gian mỗi chiều về nhờ cây cầu mới, mưa lớn khiến đường về nhà của chị vào mỗi ngày đều xa hơn một đoạn. Từ quận 1, để đến đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), chị phải khổ sở vượt qua dòng nước ngập tại chân cầu Ba Son.
“Trước đây, tôi luôn nghĩ con đường mới ở khu đô thị hiện đại này sẽ không bị ngập, nên khi thấy xuất hiện ngập tại đây khiến tôi khá bất ngờ. Từ cuối tháng 4/2022, cầu Ba Son vừa khánh thành trở thành tuyến đường đi làm quen thuộc của tôi. Cho đến mùa mưa tháng 8 năm ngoái, lần đầu chân cầu Ba Son phía TP Thủ Đức bị ngập nặng. Nhiều ô tô bị chết máy giữa chừng”, chị Linh nhớ lại.
Tháng 7 năm nay, đoạn đường này tiếp tục lênh láng nước sau những trận mưa lớn. Với một khu đô thị mới như Thủ Thiêm, một số chuyên gia đánh giá đây là điểm ngập chưa có tiền lệ. Trong khi đó, khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch để xây dựng thành một “Phố Đông”, một trung tâm kinh tế, tài chính đẳng cấp khu vực.
Không chỉ vậy, ngập trong và sau mưa còn khiến dòng xe trên cầu Ba Son, từ hướng quận 1 đến TP Thủ Đức tắc nghẽn. Mưa, cộng với giờ cao điểm, những người thường xuyên lưu thông tuyến này cho biết phải mất ít nhất nửa giờ để đi qua.
Anh Nguyễn Trường Giang (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết tình trạng ùn tắc không thường xảy ra tại cầu Ba Son. Tuy nhiên vào những giờ cao điểm, tan tầm, mưa lớn xuất hiện thường khiến giao thông khu vực bị rối loạn.
“Ô tô mất nhiều thời gian hơn để di chuyển vì phải giữ khoảng cách, phương tiện rất đông, một số xe vượt ẩu, có thời điểm chân cầu Ba Son ngập thì phải đi chậm hơn”, anh Giang nêu bất cập.
Ám ảnh vì ngập, thiệt hại nặng
Gia đình bà Đào Thị Màu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai trong ngày 2/7 đang xây bịt lối đi để chống nước tràn vào nhà.
Những trận mưa đầu tháng 7, nhiều địa phương ở Đồng Nai gồm TP Biên Hòa, các huyện ở Đồng Nai như Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) liên tục xảy ra ngập nặng trên các tuyến đường và khu dân cư.
Điểm nóng nhất tại Biên Hòa là đường Đồng Khởi đoạn qua ngã ba Trảng Dài thuộc hai phường Tân Phong, Trảng Dài; đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua Big C Đồng Nai kéo dài đến Sở PCCC tỉnh Đồng Nai; Khu vực đường Huỳnh Văn Nghệ đoạn thuộc phường Bửu Long; Quốc lộ 51 đoạn thuộc phường Long Bình Tân; Cổng 11 đoạn thuộc phường Long Bình…
Tại huyện Trảng Bom ngập nặng nhất là tuyến đường tỉnh 767 đoạn qua khu vực gần Khu công nghiệp Sông Mây, có nhiều đoạn nước cao cả 70cm - 1m; huyện Nhơn Trạch ngập nặng nhất là khu vực thị trấn Hiệp Phước, xã Long Thọ, xã Phước Thiền…
Vừa thu dọn những miếng gỗ rã ra từ chiếc tủ bị nước ngâm mục, ông Đào Văn Trật (ngụ thị trấn Hiệp Phước) thở dài ngán ngẩm. Ông Trật nói rằng nhiều năm trước, mưa lớn cũng rất hiếm khi ngập, nước chỉ xấp xấp ở đường, không mấy nhà bị nước tràn vào.
Nỗi khổ của người dân lưu thông qua ngã ba Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) sau cơn mưa ngày 1/7.
Tuy nhiên năm nay, nhiều trận mưa khiến cho nước đổ ập, tràn vào nhà dân quá nhanh, không ai trở tay kịp, gây ra hư hỏng nhiều đồ đạc. “Một chiếc ti vi mới mua gần chục triệu bị hư; tủ bung ra, mục nát phải dỡ ra từng mảng; bàn ghế, nhiều đồ đạc bị dòng nước cuốn trôi. Tính sơ, thiệt hại mấy chục triệu. Ngoài ra, có một tấn lúa bị nước ngâm mấy tiếng”, ông Trật buồn bã nói.
Ngay gần đó, gia đình chị Đào Thị Hồng Gấm cũng chịu thiệt hại nặng khi nước vào nhà đến 1,2m nhấn chìm 2 xe máy, ti vi, tủ lạnh, giường… “Giờ thấy mưa là sợ. Chúng tôi có thống kê thiệt hại cho cán bộ thị trấn nhưng cũng không biết có được hỗ trợ gì không. Chỉ mong địa phương quan tâm, sớm có cách xóa ngập”, chị Gấm nói.
Trước khi chờ chính quyền, bà con đã tự cứu mình bằng cách nâng nền nhà lên. Bà Đào Thị Màu đã phải thuê thợ đến xây tường cao khoảng 1m bịt lối đi và chọn cách đi nhờ sang nhà của hộ dân khác.
Còn nhà ông Trật tìm vị trí cao kê lúa gạo. Hộ gia đình chị Gấm bị hư một phần tường nên dọn dẹp để nhờ thợ xử lý, xây lại. Còn nhà ông Nguyễn Khắc Điền do bị sập một số đoạn tường gạch nên đã thuê thợ đến dọn dẹp, xây sửa lại trong ngày 2/7.
Ngay trung tâm TP Biên Hòa, anh Nguyễn Tuấn, chủ tiệm tóc trên đường Đồng Khởi khẳng định ở đây mưa lớn là ngập. Trước lối vào tiệm, anh Tuấn cho xây một lớp gạch cao 30cm để chặn nước. Khi mưa quá lớn, anh cùng thợ phụ lấy thêm các miếng dẻ lau để chặn các khe hở của cửa nhằm giảm lượng nước tràn vào tiệm.
“Mấy nay mưa lớn nên ngập liên tục, đảo lộn mọi thứ. Có trường hợp khách vào cắt tóc xong, khi mở cửa về là nước ùa vào trong tiệm, nhân viên khổ cực lau dọn, còn khách bì bõm lội nước về nhà”, anh Tuấn nói và đặt vấn đề rằng đường Đồng Khởi sát ngay bên suối, nhưng không hiểu vì sao nước không xuống suối được mà ngập lênh láng toàn đường.
Nhà sát ngay mặt đường, ông Nguyễn Văn Hưng (phường Trảng Dài) nhiều lần chứng kiến người dân cùng xe máy bị té ngã khi đi từ đường Bùi Trọng Nghĩa ra đường Đồng Khởi: “Mấy lần tiếp xúc cử tri bà con cũng ý kiến nhiều nhưng càng ngày càng ngập nặng”, ông Hưng bức xúc.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có 735 tuyến đường trục chính, trong đó có 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa; 24 tuyến đường bị ngập trong lúc xảy ra mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng triều cường.
Tại Quyết định 752 của Thủ tướng ban hành năm 2001, hệ thống thoát nước của TP.HCM chịu được mưa lớn trong 3 giờ liên tục với lượng 95,91mm đối với kênh rạch, 85,36mm với cống cấp 2 và 75,5mm với cống cấp 3 và đỉnh triều 1,32m.
Do biến đổi khí hậu nên mưa lớn tăng và lượng cũng cực đoan hơn, do đó quy hoạch này đã không còn thích hợp. Theo thống kê từ năm 1962-2001, chỉ có 9 cơn mưa lớn với lượng trên 100mm. Nhưng từ năm 2002 đến nay có tới 59 cơn mưa lớn, riêng trong năm 2020 có 7 cơn lượng mưa 100-212mm.
Trong khi đó, triều cường từ năm 1980-2007 luôn dưới 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, liên tục xuất hiện các đợt triều cường cao, có thời điểm đỉnh triều đạt 1,8m.
(Nguồn: baogiaothong.vn)
Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/van-nan-ngap-lan-sang-cac-do-thi-moi-d596898.html