Thứ ba, 14/12/2021, 21:00
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, người tiêu dùng được làm chủ
Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, một bước tiến trong lộ trình thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng.
Với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành điểm đến thực phẩm an toàn, Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Dự án giúp người dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đánh giá các thực phẩm thông qua ứng dụng.
Người tiêu dùng Đà Nẵng dễ dàng biết được nguồn gốc thực phẩm thông qua truy xuất dữ liệu gắn trên sản phẩm.
Được biết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng phần mềm và mua sắm trang thiết bị, hướng đến mục tiêu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm gồm chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói.
Trong giai đoạn 1, dự án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng. Riêng sản phẩm có lượng tiêu thụ nhiều hàng ngày là thịt lợn, thông tin sẽ được truy xuất từ lò mổ đến người tiêu dùng đối với heo chăn nuôi ngoài thành phố. Trường hợp chăn nuôi trong địa bàn thành phố thì truy xuất thông tin tận trang trại đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dự án sẽ phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn trên cơ sở ngăn ngừa mối nguy về việc không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả thông tin về đường đi của sản phẩm trong chuỗi cung ứng sẽ được lưu trữ để quản lý về an toàn thực phẩm, đồng thời có thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Hệ thống dữ liệu sẽ phân tích mối nguy, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát khi có nghi ngờ, trên cơ sở đó có biện pháp phòng tránh kịp thời các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án có định hướng lâu dài là xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn. Để làm được như vậy, Đà Nẵng sẽ xây dựng quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm kết hợp truy xuất nguồn gốc trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.
Hơn nữa, doanh nghiệp cung ứng phải thực sự quyết liệt, minh bạch nếu không muốn bị người tiêu dùng quay lưng. Dự án đi vào cuộc sống sẽ xây dựng thói quen, tư duy mới, để chính người dân tự kiểm tra thực phẩm trước khi quyết định mua sử dụng. Khi giám sát ATTP trở thành nhu cầu và trở nên đơn giản thì trách nhiệm và quyền lợi của các bên phải được thể hiện rõ ràng. Bữa ăn của người dân sẽ an toàn và chất lượng hơn.
Cùng với đó, người tiêu dùng cũng là kênh phản hồi thông tin, thường xuyên cung cấp thông tin, phản ánh, tố cáo những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ quan chức năng.
Đồng thời, người tiêu dùng phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp. Với việc ngày càng quan tâm đến chất lượng bữa ăn thì người tiêu dùng chính là nhân tố sàng lọc doanh nghiệp.
(Nguồn: VietQ.vn)