Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 1

Thứ hai, 17/01/2022, 20:00

Trung Quốc vung tiền mua ảnh hưởng chính trị khắp nơi

Christine Ching Kui Lee, người được cho là điệp viên Trung Quốc, mới đây đã bị Cơ quan tình báo nội địa Anh tình nghi “tài trợ” hơn 500.000 bảng cho Barry Gardiner, chính trị gia Công đảng Anh, để ông này trang trải chi phí nhân sự trong khoảng 6 năm, qua đó giúp Bắc Kinh thực hiện các hoạt động can thiệp chính trị tại xứ sương mù.

Kingston Freeport, cảng container lớn nhất của Jamaica, gần đây bị một công ty Trung Quốc kiểm soát. Ảnh: Daily Mail

Không những vậy, bà Lee hồi năm 2005 còn quyên góp 5.000 bảng cho đảng Dân chủ Tự do và 5.000 bảng khác cho ông Ed Davey vào năm 2013 khi ông này còn là Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Anh cho biết bà Lee là người sáng lập một hãng luật tại thủ đô Luân Đôn và thành phố Birmingham. Trên website, công ty này tuyên bố là cố vấn pháp lý cho đại sứ quán Trung Quốc tại Anh.

Theo thông báo của Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle, bà Lee tiếp tay cho các khoản tài trợ đại diện cho người nước ngoài tại Trung Quốc, gồm cả ở đặc khu Hong Kong, gửi đến các thành viên nghị viện Anh. Hành động này được thực hiện kín đáo nhằm che giấu nguồn gốc của khoản tài trợ. “Đây rõ ràng là hành vi không thể chấp nhận và đang có những bước để đảm bảo việc này chấm dứt” - thông báo nêu.

Việc làm không mới

Thật ra, việc Trung Quốc bị cáo buộc dùng tiền để mua ảnh hưởng chính trị tại Anh không phải là mới. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư hơn 685 tỉ bảng vào 42 quốc gia thành viên Khối Thịnh vượng chung. Trong đó, Sierra Leone, Zambia, Lesotho, Cameroon và Mozambique đã nhận số tiền đầu tư của Trung Quốc lên tới 145% GDP của những nước này. Còn Papua New Guinea hay Antigua và Barbuda đã nhận tiền đầu tư của Bắc Kinh lần lượt là 5,3 tỉ bảng và 1 tỉ bảng. Hai nước này ủng hộ Luật An ninh Quốc gia Hong Kong gây tranh cãi. 

Riêng các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi ít nhất 134 tỉ bảng tại Anh để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trường tư thục và đầu tư vào các công ty FTSE 100 - những công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên Sàn Chứng khoán Luân Đôn, cũng như xây dựng các cảng trên các tuyến đường thủy quan trọng, cho phép Bắc Kinh thách thức các đối thủ như Mỹ hay Ấn Độ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng tại Anh khi hỗ trợ Luân Đôn xây dựng mạng 5G, xâm nhập vào các trường đại học và tham gia vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point.

Can thiệp nội bộ các nước nhỏ

Đáng lo ngại, Bắc Kinh trong những năm gần đây được cho thường xuyên can thiệp mạnh mẽ vào công việc nội bộ của các quốc gia nhỏ và nghèo ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Tờ Daily Mail cho hay, Trung Quốc hồi tháng rồi đã đạt được một thỏa thuận với Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, vạch ra lộ trình rộng lớn cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực đến năm 2024.

Theo thỏa thuận, 2 bên cam kết trao đổi công nghệ hạt nhân và thúc đẩy “các dự án thiết thực”, gồm đào tạo ra các nhà khoa học hạt nhân nhằm phát huy lợi thế mà công nghệ hạt nhân và năng lượng hạt nhân mang lại, phát triển các chương trình không gian và xây dựng mạng di động không dây 5G mà Mỹ cho rằng có thể được sử dụng để theo dõi hàng triệu người.

Bắc Kinh còn cam kết xây dựng trường học và tài trợ cho các lớp dạy tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc. Mateo Haydar, nhà nghiên cứu tại Quỹ Di sản (Mỹ) cho rằng Trung Quốc đang có tham vọng trở thành “nước có ảnh hưởng thống trị ở Mỹ Latinh”.

Số liệu do Viện Doanh nghiệp Mỹ tổng hợp cho thấy Trung Quốc đầu tư gần 500 triệu bảng để xây dựng đường xá, nhà cửa và một khách sạn ở Barbados, một đảo quốc độc lập ở phía Đông biển Caribe. Tại Jamaica gần đó, Bắc Kinh đầu tư khoảng 2,6 tỉ bảng, khiến nước này trở thành quốc gia nhận tiền từ Trung Quốc nhiều nhất vùng Caribe.

Đặc biệt, Trung Quốc tỏ ra rất hào phóng đối với các nước đồng ý cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Năm 2005, Trung Quốc đã “thưởng” cho quốc đảo Grenada một sân vận động bóng gậy mới trị giá 55 triệu USD sau khi họ cắt đứt quan hệ với Đài Bắc. Tương tự, Cộng hòa Dominica hồi năm 2018 đã nhận được khoản đầu tư và khoản vay của Trung Quốc được cho lên tới 3 tỉ USD sau khi nước này “chia tay” Đài Loan.

Giới chuyên gia an ninh cho rằng bằng cách “rót” một khoản tiền khổng lồ vào các nước như Barbados và Jamaica, Chính phủ Trung Quốc muốn họ rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh, buộc phải khất nợ bằng cách giao nộp tài sản cho Trung Quốc. Còn nhớ, Sri Lanka hồi năm 2017 đã phải cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm cảng nước sâu Hambantota để “khất” khoản nợ hơn 1 tỉ USD. Gần đây hơn, một công ty Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Kingston Freeport, cảng container lớn nhất của Jamaica và là một trong những cảng lớn nhất ở vùng Caribe.

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829