Thứ bảy, 20/11/2021, 09:00
Trong gian khó thêm biết ơn thầy cô
Ngày nhà giáo Việt Nam là một dịp đặc biệt và năm nay lại càng đặc biệt hơn khi thầy trò nhiều nơi đang phải dạy, học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Khó khăn là vậy nhưng thầy trò đã có những cách riêng để đón ngày hiến chương đong đầy cảm xúc.
Học sinh Bảo Hân (lớp 10CA3 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) thiết kế thiệp chúc mừng thầy cô - Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Sau ba tháng dạy học, thầy trò vẫn chưa trực tiếp gặp nhau. Thế nên, tình thầy trò, ký ức học đường... sẽ được thể hiện trong sự sâu lắng của tâm hồn, trong lòng biết ơn. Vì đi qua những biến động rủi ro mà mình vẫn còn khỏe, còn được dạy, được học... để trân quý hơn những gì mình đang có".
Cô Dương Thu Trang
Ngày nhà giáo trong khu cách ly
Năm nay, thầy trò lớp 5B Trường tiểu học Đồng Hóa, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đón Ngày nhà giáo Việt Nam đặc biệt trong khu cách ly tập trung do có trường hợp liên quan đến COVID-19.
Giờ học mỹ thuật của lớp 5B diễn ra sôi nổi và vui vẻ. Học sinh chăm chú vào trang giấy với những nét vẽ mộc mạc, giản dị để gửi gắm những thông điệp yêu thương dành cho thầy cô giáo yêu quý của mình. Hoàn thành bức tranh của mình, em Hoàng Duy Quân bước lên tặng cô giáo. Cô Cao Thị Kim Oanh xúc động, không nghĩ mình sẽ đón một ngày lễ trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này.
"Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thầy cô giáo ở khu cách ly luôn nhận được nhiều lời chúc yêu thương, sức khỏe từ mọi người nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó là món quà lớn nhất và là lời tri ân sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất đối với sự nghiệp trồng người của mình".
Được biết, cùng với các hoạt động vẽ tranh, viết thư tặng thầy cô giáo, học sinh ở khu cách ly còn tham gia kể chuyện, đọc thơ, viết các kỷ niệm ở khu cách ly, vẽ tranh về phòng chống dịch bệnh... Phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa và các trường đã có nhiều hoạt động thăm tặng quà, hỗ trợ vật chất, cử người giúp đỡ hậu phương... để các thầy cô giáo và học sinh yên tâm dạy và học.
"Lần đầu tiên cô trò phải học tập và dạy học trong hoàn cảnh đặc biệt nên không chỉ các em mà cả giáo viên cũng bỡ ngỡ. Để các em yên tâm cách ly và học tập, thầy cô giáo chúng tôi luôn kịp thời động viên, chia sẻ. Không có bố mẹ bên cạnh, ai cũng xem các em như con của mình. Tranh thủ buổi tối, chúng tôi sử dụng điện thoại để các em gọi điện về nói chuyện với bố mẹ và người thân" - cô Kim Oanh kể.
Thầy trò lớp 5B Trường tiểu học Đồng Hóa, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đón ngày nhà giáo trong khu cách ly - Ảnh: HÀ ANH QUYỀN
Thầy trò vẫn chưa gặp nhau
Tại TP.HCM, học sinh vẫn chưa trở lại trường nhưng ngày nhà giáo không vì thế mà mất đi ý nghĩa.
Cô Dương Thu Trang - phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6 - tâm sự đại dịch COVID đã khiến mọi thứ thay đổi. "Ngày 20-11 năm nay cũng không ngoại lệ. Thực tế, sau gần ba tháng dạy học nhưng thầy trò vẫn chưa trực tiếp gặp nhau. Đây là sự khác biệt lớn nhất. Thế nên, tình thầy - trò, ký ức học đường... sẽ được thể hiện trong sự sâu lắng của tâm hồn, trong lòng biết ơn.
Vì đi qua những biến động rủi ro mà mình vẫn còn khỏe, còn được dạy, được học... để trân quý hơn những gì mình đang có. Và đó là nền tảng cho sự quan tâm, kết nối của những liên hệ tri ân của ngày 20-11" - cô Thu Trang nói.
Ngoài ra, cô Trang cũng chia sẻ thêm: "Hoạt động dự định cho 20-11 năm nay của tôi là cùng đại diện các đoàn thể nhà trường đến thăm gia đình của thầy giáo trong trường đã mất vì COVID-19. Thầy ra đi bất ngờ, lặng lẽ trong thời gian giãn cách xã hội nên hoạt động viếng thăm bị hạn chế. Vì vậy, 20-11 năm nay trường dự kiến tổ chức thăm viếng thầy trong ý nghĩa kết nối theo đạo lý với mong muốn nhà giáo đó được an nghỉ sau thời gian tận tâm với nghề, tận nghĩa với trường".
Cô Nguyễn Đoan Trang - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 - cũng tâm sự: "Đối với tôi ngày 20-11 luôn là những ngày vui vì trong những năm qua, đây là dịp tôi luôn được gặp lại học trò cũ và học trò hiện tại của mình. Những học sinh cũ sau khi dự lễ ở trường mới, trường THPT sẽ về lại trường THCS cũ mà mình theo học kể cho chúng tôi nghe những chuyện hiện nay của các con như thế nào. 20-11 là dịp học sinh cũ của tôi thổ lộ những ước mơ của mình với thầy cô...
Tôi coi những lời tâm sự mà học sinh nói với mình trong những buổi đó là món quà nhiều ý nghĩa với tôi nhất trong ngày nhà giáo. Tôi cảm nhận được những đóng góp của mình trong quá trình vun trồng ước mơ cho các em đã bắt đầu nảy nở những mầm xanh mới".
Động viên nhau vượt qua khó khăn
Cô Đoàn Thị Nụ - tổ phó môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM - cho rằng ngày 20-11 năm nay chắc hẳn khác biệt với cô và tất cả những ai là nhà giáo.
"Tôi nghĩ ngày này sẽ đánh dấu những sáng tạo trong cách thể hiện tình thầy trò của giáo viên - học sinh. Tại TP.HCM, thầy trò chúng tôi vẫn đang miệt mài với việc dạy, học online, chộn rộn với những kỳ thi giữa học kỳ qua mạng... Như vậy, dù trong ngày 20-11 này, chúng tôi có thể không nhận được những lời tri ân trực tiếp từ học sinh nhưng những kết nối với các em vẫn luôn hiện hữu bằng những hình thức trực tuyến sinh động mà những ngày 20-11 trước thầy trò chúng tôi chưa trải qua" - cô Nụ nói.
Những ngày này, cô Nụ đã cùng với học sinh của mình "tận hưởng" ngày 20-11 bằng nhiều hoạt động với nhau.
"Thông qua các bài học trên lớp, những tiết sinh hoạt lớp, tôi và các em cùng khám phá thêm về Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, kể những câu chuyện về lòng biết ơn, sự tri ân, cách chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ... Nhà trường phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt để thầy trò động viên nhau cùng vượt qua những khó khăn trong dạy, học trực tuyến cũng như những vấn đề liên quan đến gia đình, xã hội những ngày khốc liệt do COVID-19 lướt qua" - cô Nụ cho hay.
Chờ ngày đến trường trở lại
Cô Đoàn Thị Nụ chia sẻ: "20-11 năm nay chắc chắn sẽ không có những dịp tri ân trực tiếp nhưng thầy trò chúng tôi lại có Facebook, Messenger, Zalo, email, điện thoại... Tôi vẫn chờ đợi những lời thăm hỏi của học trò cũ của mình trên những nền tảng này và chờ đợi một ngày không xa khi thầy trò chúng tôi được đến trường trở lại, chúng tôi có nhiều câu chuyện để chia sẻ cùng nhau và sẽ cùng nhau tạo nên nhiều ký ức khó quên, làm nền tảng cho ngày 20-11 những năm sau này nữa.
Tôi biết học trò của tôi hiện nay cũng như tôi ngày xưa vẫn luôn biết ơn thầy cô và tôi cũng muốn tri ân những học trò của mình vì đã cho tôi những ngày lên lớp thật nhiều niềm vui và bất ngờ với sự sáng tạo muôn vàn của các em".
(Nguồn: Tuổi Trẻ)