Thứ ba, 18/07/2023, 16:30
Tỉ phú Elon Musk thống trị quỹ đạo trái đất
Sự hiện diện của tỉ phú Elon Musk trong lĩnh vực viễn thông vệ tinh đang gia tăng, với SpaceX chiếm hơn 60% số vệ tinh được phóng lên quỹ đạo trong năm nay.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 6, Công ty SpaceX của ông Musk đã đưa hơn 1.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo trái đất. Với số lượng này, SpaceX chiếm hơn 60% số vệ tinh được phóng trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2023, theo dữ liệu từ nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), theo tờ Nikkei Asia.
Ông Elon Musk phát biểu trực tuyến tại hội nghị Mobile World Congress (MWC) ở Barcelona (Tây Ban Nha) về Starlink. Reuters.
"Đế chế" mở rộng
Các cụm vệ tinh nằm ở quỹ đạo thấp của trái đất cho phép kết nối internet nhanh hơn so với các dịch vụ băng thông rộng cố định mặt đất và ông Musk đã đầu tư rất nhiều tâm sức vào thị trường đang phát triển này.
Theo Nikkei Asia, SpaceX đã phóng gần 5.000 vệ tinh Starlink vào không gian kể từ năm 2019 và đã xin cấp phép vận hành tổng cộng 42.000 vệ tinh. Công ty hiện có rất ít đối thủ cạnh tranh, và Tập đoàn Amazon, một trong các đối thủ của họ, dự định đến cuối năm nay mới phóng một nguyên mẫu vệ tinh.
Starlink đến nay chủ yếu tập trung vào phân khúc B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Royal Caribbean Group, hãng tàu du lịch của Mỹ, và Zipair Tokyo, hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản, nằm trong số các khách hàng doanh nghiệp của họ. Starlink cũng đã đóng vai trò quan trọng ở Ukraine, nơi nhiều cơ sở liên lạc mặt đất đã bị phá hủy trong xung đột với Nga.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Mỹ hôm 20/6, ông Musk bày tỏ mong muốn cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh ở Ấn Độ, nói rằng việc tăng cường khả năng truy cập internet "có thể cực kỳ hữu ích" ở những ngôi làng xa xôi. Ấn Độ có dân số 1,4 tỉ người nhưng chỉ 2% hộ gia đình có đường truyền internet cố định tốc độ cao.
Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể cung cấp khả năng truy cập internet tốc độ cao khi chúng nằm trên quỹ đạo cách bề mặt trái đất chỉ từ 300 - 600 km, thấp hơn nhiều so với các vệ tinh khí tượng và các vệ tinh khác thường hoạt động trong quỹ đạo cách trái đất khoảng 36.000 km. Theo Ookla, nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra tốc độ internet của Mỹ, tốc độ của Starlink ít nhất có thể so sánh với các dịch vụ mặt đất, nhanh hơn tới 40% so với băng thông rộng thông thường ở Anh và nhanh gấp đôi ở Úc.
Cơ hội và rủi ro
Vì các vệ tinh phát sóng không cần hệ thống cáp, nên có lợi thế lớn ở vùng nông thôn và các khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc kém phát triển. Số lượng người dùng dịch vụ viễn thông vệ tinh dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới, từ 71 triệu người vào năm 2022 lên 153 triệu vào năm 2031, theo Euroconsult, công ty tư vấn về lĩnh vực vũ trụ.
Ngân hàng Morgan Stanley dự báo thị trường dịch vụ viễn thông vệ tinh toàn cầu sẽ tăng trưởng gấp 13 lần từ năm 2020 đến năm 2040, lên mức 95 tỉ USD, trong đó nhu cầu xuất phát từ các phương tiện tự lái sẽ là động lực chính dẫn dắt thị trường. Mạng lưới Starlink là công cụ đắc lực cho xe tự lái vì chúng có thể liên tục cập nhật phần mềm ở bất kỳ đâu. Tỉ phú Musk là chủ của Tesla, nhà sản xuất xe điện và xe tự lái hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, viễn thông vệ tinh là lĩnh vực tương đối mới và không phải không có rủi ro. OneWeb, công ty vận hành vệ tinh ở Anh, đã sụp đổ vào năm 2020 sau khi gặp khó khăn về tài chính và được chính phủ giải cứu.
Ngay cả SpaceX cũng không hoàn toàn đứng trên nền tảng vững chắc. Công ty vừa cố gắng mở rộng thị trường, vừa nhận các khoản trợ cấp lớn từ chính phủ Mỹ cùng các đơn đặt hàng dự án từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell cho biết Starlink "sẽ kiếm ra tiền" trong năm 2023.
(Nguồn: giaoduc.edu.vn)
Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/ti-phu-elon-musk-thong-tri-quy-dao-trai-dat.htm