Thứ năm, 15/06/2023, 17:00
Thực phẩm chức năng giả, dán tem chống giả lừa người tiêu dùng
Rất nhiều loại dược phẩm, thực phẩm chức năng khá nổi tiếng Mỹ, châu Âu bị làm giả - có dán cả tem chống giả - đang được bán trên thị trường, khiến người tiêu dùng thiệt hại về tiền bạc, lo lắng về sức khỏe.
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt
Đầu tháng 6/2023, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra đột xuất một căn nhà cấp 4 ở huyện này và đã phát hiện trong đó là một xưởng sản xuất. Một số công nhân đang đóng gói những viên sủi, viên nén được in sẵn các nhãn hiệu như: Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA…
Người tiêu dùng đang mua sản phẩm thực phẩm chức năng tại một cửa hàng bên trong chợ Bàn Cờ - ẢNH: THANH HOA.
Đặc biệt là các sản phẩm này được dán cả tem chống hàng giả. Trên nhãn mác có đầy đủ thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm về chất lượng như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Lady Cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX… Tuy nhiên, khi đại diện các doanh nghiệp này được mời đến hiện trường, tất cả đều khẳng định đây là hàng giả, hàng nhái.
Tại cửa hàng H.S ở chợ Bàn Cờ (quận 3, TP.HCM), người bán giới thiệu với chúng tôi đủ loại collagen dạng nước, dạng viên; các loại thực phẩm chức năng (TPCN) khác như vitamin tổng hợp, dầu cá, viên uống đẹp tóc, trắng da, cải thiện xương khớp… Điểm chung là các sản phẩm có giá khá rẻ. 1 lọ collagen Youtheory của Mỹ giá chỉ 570.000 đồng/hộp loại 390 viên (giá thị trường từ 650.000-900.000 đồng/hộp). Sản phẩm không hề có nhãn phụ của công ty nhập khẩu, phân phối, chỉ có tờ giấy vàng nhỏ ghi thông tin chung chung gồm tên sản phẩm, công dụng. Nhiều loại sản phẩm TPCN khác tại cửa hàng này cũng được đóng gói tương tự.
Người bán chỉ giải thích do là hàng xách tay nên bao bì như vậy. Chúng tôi thử mở ứng dụng quét mã QR và quét mã vạch in trên sản phẩm nhưng không thể truy xuất được thông tin gì.
Tại một sạp khác trong chợ, một người tiêu dùng đang tìm mua dầu cá về cho con uống để ngừa mỏi mắt, cải thiện thị lực mùa thi. Người bán giới thiệu 3 sản phẩm: Omega Orihiro (Nhật) giá 560.000 đồng/hộp 180 viên, Nature Made Fish Oil 1.200mg của Mỹ giá 375.000 đồng/hộp 200 viên và Healthy Care Fish Oil của Úc giá 480.000 đồng/hộp 400 viên, tất cả đều không có nhãn phụ. Mã vạch trên sản phẩm, theo lời người bán là có thể quét để biết được nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên khi chúng tôi quét thì chỉ ra đường dẫn tới các trang thương mại điện tử.
Ngay cả ở các cửa hàng thuốc, những nhãn phụ trên các sản phẩm này cũng không thống nhất. Chẳng hạn, tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM), sản phẩm collagen Youtheory có nhãn phụ in thông tin công ty nhập khẩu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hồng Cửu Long (quận Tân Phú, TP.HCM), tem chống giả in tên, mộc đỏ của công ty.
Tại một cửa hàng trên đường Tân Hải (quận Tân Bình, TP.HCM), cũng là sản phẩm này nhưng nhãn phụ không có dấu mộc đỏ, nhãn chính cũng thiết kế khác, thiếu nhiều chi tiết như logo công ty, số điện thoại… Nhân viên bán hàng giải thích, có sự khác biệt là do sản phẩm được sản xuất tại nhiều bang khác nhau ở Mỹ (?).
Quản lý thị trường còn lỏng lẻo
Trước đây, người tiêu dùng thường dựa vào nhãn phụ để biết đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, phân biệt hàng nhập khẩu chính ngạch, hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Thế nhưng hiện nay, cách nhận biết sản phẩm này không còn hiệu quả bởi các sản phẩm nhái/giả đều dán đủ nhãn phụ (làm giả) in thông tin đơn vị chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, tem chống giả (cũng làm giả).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để tình trạng hàng giả nhưng có nhãn phụ, tem chống giả nhan nhản trên thị trường là do công tác quản lý của cơ quan quản lý thị trường còn lỏng lẻo, năng lực phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế. Một bất cập lớn nhất hiện nay khiến những người làm hàng giả tỏ ra nhờn luật là các vụ vi phạm chất lượng hàng hóa đều chỉ bị xử lý hành chính với số tiền phạt rất nhỏ so với lợi nhuận họ thu được.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, cần nâng mức chế tài vi phạm lên đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù, tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động, nộp lại nguồn thu bất hợp pháp. Song song đó cần quy thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý để xảy ra tình trạng sản xuất hàng giả/nhái. “Người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức, tra cứu hàng thật, hàng giả tại các website chính hãng, chỉ mua hàng tại nơi uy tín” - luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo: tình trạng TPCN giả/nhái tràn lan hiện nay đang gây nguy cơ lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Phần lớn TPCN giả/nhái đều có nguy cơ chứa các chất độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng tìm hiểu, chọn mua TPCN ở những điểm bán hàng uy tín, rõ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, không ít người có bệnh nhưng không đến bác sĩ khám mà lại mua TPCN dùng như thuốc chữa bệnh, thậm chí là không theo hướng dẫn về liều lượng. “TPCN không phải là thuốc nhưng nếu lạm dụng uống quá liều hay dùng kết hợp nhiều loại TPCN cùng lúc dễ dẫn đến ngộ độc, triệu chứng và hậu quả giống như ngộ độc thuốc. Do đó, muốn sử dụng loại TPCN nào, kết hợp ra sao thì người dùng cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng chứ không nên tự ý dùng”, ông nói.
(Nguồn: phunuonline.com.vn)