Thứ ba, 25/10/2022, 06:00
Sức ép trái phiếu doanh nghiệp
Trong bối cảnh tín dụng bị hạn chế, doanh nghiệp chỉ còn phương án duy nhất là phát hành mới trái phiếu để thanh toán cho các đợt phát hành trước...
Hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ đến hạn thanh toán trong các tháng cuối năm 2022 cùng với hàng trăm ngàn tỉ đồng TPDN sẽ đến hạn phải trả trong năm 2023-2024 đang tạo áp lực rất lớn đến đơn vị phát hành.
Khoảng 85.000 tỉ đồng trái phiếu sắp tới hạn
Báo cáo về thị trường TPDN của Công ty Chứng khoán VCBS chỉ ra trong quý IV/2022 có khoảng 85.000 tỉ đồng trái phiếu do các ngân hàng (NH), DN bất động sản phát hành phải đáo hạn, đồng thời khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước tính khoảng 790.000 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán VNDirect cũng ước tính có khoảng 58.840 tỉ đồng TPDN riêng lẻ sẽ đáo hạn trong quý IV năm nay, trong đó tỉ lệ đáo hạn của trái phiếu do DN bất động sản, NH chiếm lần lượt là 34,1% và 32,9%.
Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của một NH lớn có trụ sở chính tại Hà Nội thì ghi nhận tổng dư nợ cho vay thông qua việc mua trái phiếu là 96.000 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay TPDN là 74.000 tỉ đồng, chiếm hơn 11% tổng tài sản 623.000 tỉ đồng. Báo cáo của NH này cũng thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, NH có giao dịch trái phiếu với 3 DN liên quan với dư nợ cuối kỳ hơn 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy từ tháng 8-2023, những DN này phải thanh toán hàng ngàn tỉ đồng trái phiếu do mình phát hành.
Đối với DN bất động sản, dữ liệu của HNX cũng thể hiện đến tháng 12-2022 có khá nhiều DN phải đáo hạn hàng trăm tỉ đồng trái phiếu. Đơn cử, có hai DN bất động sản hạng trung ở TP HCM đến hạn thanh toán tổng số tiền 500 tỉ đồng TPDN. Ngoài ra, hàng chục DN khác phải đáo hạn hàng chục ngàn tỉ đồng TPDN trong năm 2023.
Với thông tin trên, TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) nhận định các NH cho vay thông qua việc mua TPDN và nếu đến thời điểm thanh toán, DN phát hành gặp khó khăn thì khoản cho vay đó sẽ rơi vào nợ xấu. NH sẽ phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh. Yếu tố này được cho là tác động không tốt đến cổ phiếu ngành NH.
"Với việc đến hạn hoặc phải mua lại trước hạn trái phiếu do mình phát hành trước đó, các NH phải dùng đến số tiền đang kinh doanh để thanh toán. Khi đó, nguồn vốn của NH có thể thiếu hụt, tạo áp lực tăng lãi suất tiền gửi để thu hút vốn nhằm cân đối dòng tiền ra vào" - ông Chí lập luận.
Dòng tiền của doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Phát hành mới, trả nợ cũ
Một cố vấn tài chính cho DN lớn ở TP HCM cho hay dòng tiền của DN luôn phụ thuộc vào vốn vay NH và phát hành trái phiếu. Thế nhưng, trong bối cảnh NH hạn chế cho vay, DN chỉ còn phương án duy nhất là phát hành mới trái phiếu để thanh toán cho các đợt phát hành trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giải pháp trước mắt là các cơ quan quản lý cần hướng dẫn áp dụng Nghị định số 65 về phát hành TPDN riêng lẻ (Nghị định 65) để DN phát hành trái phiếu đúng quy định. Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng nghị định này cho phép các DN được phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm nới lỏng, giúp các DN tiếp tục phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định).
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm Nghiên cứu FiinRatings, cho rằng sau giai đoạn điều chỉnh gần đây, quy mô giá trị TPDN lưu hành đã giảm đáng kể. Yếu tố rủi ro thị trường vì đó cũng giảm đi dù sẽ có một vài DN gặp vấn đề về đáp ứng nghĩa vụ nợ. Tuy nhiên, tác động mang tính hệ thống đến với tín dụng NH và thị trường vốn là thấp.
"Cải thiện minh bạch thông tin và triển khai các quy định mới của Nghị định 65 cùng với việc đánh giá cụ thể chất lượng tín dụng và rủi ro đáo hạn trong giai đoạn tới của danh mục 908.800 tỉ đồng trái phiếu phi NH đang lưu hành, trong đó có 455.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản sẽ là giải pháp quan trọng để khôi phục niềm tin của thị trường, nhất là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp" - ông Tùng Anh nói.
Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng sự ra đời của Nghị định 65 bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về phương thức chào bán và nâng cao điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cầu trái phiếu qua việc thu hẹp đối tượng phân phối TPDN. Bộ Tài chính, NH Nhà nước đang có thông tin và hướng dẫn cụ thể nên thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hoạt động phát hành cũng như gia tăng số lượng DN tham gia kênh vốn này.
Cụ thể, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỉ lệ an toàn tài chính của DN sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản nhằm bảo đảm thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững. NH Nhà nước cũng đã yêu cầu rà soát, sửa đổi các quy định về việc các tổ chức tín dụng chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Hiện NH Nhà nước tiếp tục bám sát Nghị định 65, kết quả công tác thanh tra hoạt động mua, bán TPDN của NH Nhà nước và diễn biến thị trường (thông qua các báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Công an...) để nghiên cứu, rà soát tổng thể các vấn đề, nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa (nếu cần).
Nhiều DN mua lại trái phiếu trước hạn
Một xu hướng được ghi nhận trên thị trường thời gian qua là các đơn vị phát hành chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, đặc biệt từ tháng 6-2022 đến nay. Theo dữ liệu chuyên trang thông tin TPDN, trong 9 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỉ đồng.
Trong danh sách 20 đơn vị phát hành mua lại TPDN nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm nay do VCBS thống kê, chủ yếu là các NH thương mại như BIDV, VIB, LPB, SHB, TPBank, OCB, MSB, VCB và một số công ty như Azura, Yamagata, Osaka Garden…
(Nguồn: giaoduc.edu.vn).
link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/suc-ep-trai-phieu-doanh-nghiep.htm