Thứ tư, 12/02/2025, 06:00
Sầu riêng rớt giá, người trồng âu lo
Việc xuất khẩu thuận lợi đã đưa sầu riêng thành loài cây trồng mang lại lợi nhuận cao nhất trong mấy năm gần đây, khiến diện tích trồng cũng không ngừng tăng. Nhưng năm nay, chưa vào chính vụ, sầu riêng đã rớt giá khiến người trồng không khỏi hoang mang.
Giá chưa bằng 1/3 năm ngoái
Tháng Hai là lúc các vườn sầu riêng trĩu quả. Nhìn những trái sầu riêng căng tròn sắp hái được, bà Nguyễn Thị Thinh - ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - lại chưa thể vui.
Nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang thu hoạch sầu riêng sớm nhưng giá năm nay chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái - Ảnh: Huỳnh Lợi.
Bà kể, trước tết Ất Tỵ, gia đình bà thu hoạch hơn 2 tấn sầu riêng Ri6, bán với giá 80.000 đồng/kg. Từ đó đến nay, sầu riêng liên tục rớt giá, hiện chỉ còn khoảng 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, đúng dịp này năm ngoái, giá sầu riêng tại vườn là 110.000-130.000 đồng/kg. Hiện tại, chưa vào vụ mà giá chỉ bằng 1/3 năm ngoái nên bà lo rằng giá lúc vào vụ sẽ tiếp tục giảm, gây lỗ nặng.
Dẫn chúng tôi thăm vườn sầu riêng mới cho trái vụ đầu tiên, ông Huỳnh Văn Thọ - ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - cho biết, mấy năm trước, thấy người ta trồng sầu riêng trúng mánh, giàu nhanh nên ông phá bỏ vườn quýt hồng và vườn mận để trồng sầu riêng. Năm nay, chuẩn bị thu hoạch, giá sầu riêng giảm mạnh nên ông chưa dám kêu thương lái đến xem vườn. Ông nói: “Tôi cố nấn ná thêm vài tuần nữa xem giá có nhích lên chút nào không, nếu giá không lên cũng đành phải bán”.
Lão nông Nguyễn Văn Long - ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - cho hay, sầu riêng là cây trồng chủ lực của nông dân xã Ngũ Hiệp. Mấy năm qua, sầu riêng được giá, nhiều hộ thu tiền tỉ, đổi đời nên ngày càng nhiều người trồng. Ông dự đoán: “Từ tết đến giờ, giá sầu riêng sụt giảm mà nghe đâu là do phía Trung Quốc dừng thu mua. Cứ đà này thì tới cao điểm thu hoạch, giá sẽ tiếp tục rớt”.
Theo ông, thông thường, giá sầu riêng giống Ri6 thu hoạch từ tháng Giêng đến cuối tháng Hai âm lịch là từ 70.000-90.000 đồng/kg, riêng năm ngoái lên đến 130.000 đồng/kg. Năm nay, giá sầu riêng giảm còn 1/3, chưa đến mức khiến người trồng thua lỗ nhưng lợi nhuận không nhiều. Nếu giá tiếp tục giảm thì người trồng sẽ thua lỗ. Nhiều hộ trồng sầu riêng mua chịu phân thuốc và vay mượn tiền để thuê công chăm sóc, khi đến vụ thu hoạch mới trả lại. Nếu sầu riêng giảm giá quá mạnh thì không ít người phải lâm cảnh nợ nần.
Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Những năm gần đây, sầu riêng được giá nên diện tích trồng tăng lên nhanh chóng. Loài cây này được gọi là “cây làm giàu”.
Theo lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bên cạnh tình trạng rớt giá, thời tiết không thuận lợi đã khiến một số vườn trồng sầu riêng sụt giảm sản lượng từ 40 - 60%.
Khơi thông thị trường, ngăn trồng ồ ạt
Theo các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, sầu riêng rớt giá là do ngành chức năng của Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao chất vàng O (basic yellow 2, viết tắt là BY 2) - loại hóa chất có nguy cơ gây ung thư - đối với sầu riêng nhập khẩu.
Vườn sầu riêng của nông dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bắt đầu cho thu hoạch nhưng giá bán lại đang xuống thấp.
Trước đó, vào cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phát hiện một vài lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan có dư lượng vàng O, nên bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với sầu riêng nhập khẩu, kể từ ngày 10/1/2025. Theo đó, khi vào thị trường Trung Quốc, ngoài giấy kiểm định về chất cadimi (như trước đây), sầu riêng phải có thêm giấy kiểm định vàng O. Quy định mới này khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam gặp khó khăn và đã có doanh nghiệp đưa hàng tới cửa khẩu nhưng phải “quay đầu” do chưa có giấy kiểm định vàng O. Việc thông quan ở cửa khẩu ách tắc đã khiến giá sầu riêng trong nước giảm mạnh.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến cuối tháng 1/2025, cả nước có 9 trung tâm, phòng kiểm định vàng O cho sầu riêng của Việt Nam (đặt ở TPHCM, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau) được Trung Quốc công nhận. Những ngày qua, khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn về vàng O và cadimi, các lô sầu riêng vẫn được đưa lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngành chức năng Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc xem xét, công nhận thêm các trung tâm đủ tiêu chuẩn về kiểm định vàng O, nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định khi sầu riêng vào cao điểm thu hoạch.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định: “Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất nhì thế giới - vừa đưa ra quy định mới về kiểm định chất vàng O nên chúng ta phải tuân thủ khi đưa sầu riêng vào thị trường tỉ dân này. Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan phối hợp các địa phương rà soát, kiểm tra các vùng trồng, quy trình chăm sóc, dư lượng chất kháng sinh, cơ sở đóng gói để đáp ứng các tiêu chí của phía nhập khẩu. Chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất số lô hàng không đạt quy định cũng như số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng vi phạm, tránh ảnh hưởng uy tín của sầu riêng Việt Nam”.
Cùng với giải pháp về xuất khẩu, giới chuyên gia nông nghiệp nhiều lần khuyến nghị, muốn phát triển bền vững ngành sầu riêng, cần kiểm soát chặt về diện tích, tránh tình trạng đua nhau trồng sầu riêng; cần tăng cường liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tập trung đầu tư nâng chất lượng trái sầu riêng thay vì chạy theo số lượng; đồng thời cần tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị trái sầu riêng.
Một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 22.000ha sầu riêng, vượt khoảng 4.700ha so với quy hoạch đến năm 2030. Ở một số nơi, do thấy sầu riêng được giá, nông dân đã đua nhau trồng một cách tự phát, manh mún, kéo theo nhiều rủi ro.
Ở tỉnh Hậu Giang, một số nông dân cũng chặt bỏ xoài, chanh, mít để chuyển sang trồng sầu riêng. Trước tình trạng này, ông Đồng Văn Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - đã yêu cầu các ngành chuyên môn và địa phương nhanh chóng xây dựng bản đồ nông nghiệp, xác định cụ thể khu vực nào nên trồng cây gì để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành thấp để áp dụng, tránh trồng sầu riêng ồ ạt. Ông cũng yêu cầu tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; xây dựng vùng chuyên canh, tránh làm manh mún.
Nông dân ở tỉnh Bến Tre chăm sóc vườn sầu riêng. Năm nay, sầu riêng giảm giá mạnh so với năm ngoái nên nông dân rất lo lắng.
Xuất khẩu sầu riêng vẫn thiếu tính bền vững
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 năm gần đây, doanh thu từ xuất khẩu sầu riêng luôn tăng: năm 2021 đạt 178 triệu USD thì năm 2022 tăng lên 421 triệu USD; năm 2023 tăng vọt lên 2,3 tỉ USD và năm 2024 tiếp tục tăng lên 3,2 tỉ USD.
Nguyên nhân quan trọng khiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng vọt là nhờ đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, ngành sầu riêng vẫn bộc lộ những hạn chế đáng lo ngại. Đó là sự phát triển “nóng” về diện tích dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư hạ tầng, giao thông, kỹ thuật; chất lượng trái không đồng đều do ở một số nơi có điều kiện không phù hợp nhưng nông dân vẫn cứ trồng; diện tích sầu riêng có liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp còn ít; tỉ lệ trồng theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP chưa nhiều; việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn hạn chế; việc tổ chức vận hành chuỗi còn rời rạc; sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn đang đi sau Thái Lan, Malaysia. Để phát triển, Việt Nam cần đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia; cần xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng, bao gồm khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, nông dân, doanh nghiệp. Bộ sẽ phối hợp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng theo hướng tập trung, quy mô lớn, có đầu tư bài bản về khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi giá trị, tăng sản phẩm sầu riêng qua chế biến, xây dựng thương hiệu ngành hàng.
Huỳnh Trọng
(Nguồn: phunuonline.com.vn)
Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/sau-rieng-rot-gia-nguoi-trong-au-lo-a1541721.html