Thứ sáu, 31/03/2023, 11:00
'Săn' mây và hoa đỗ quyên trên đỉnh Pha Luông
Đỉnh núi Pha Luông là ngọn núi cao nhất của cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Vào thời điểm cuối tháng 3, hoa đỗ quyên nở rộ trên các đỉnh núi phía Bắc, trong đó có Pha Luông, trở thành “đặc sản” du lịch thu hút nhiều du khách và các phượt phủ.
Chinh phục ngọn núi “ngàn thước”
Pha Luông là ngọn núi có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, được coi là “nóc nhà” của cao nguyên Mộc Châu. Đỉnh Pha Luông còn được nhiều người biết đến trong thơ ca, đặc biệt trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Sự thơ mộng, kỳ vĩ của Pha Luông biến nơi đây thành điểm đến mà những người ưa thích du lịch mạo hiểm khao khát khám phá.
Từ trên đỉnh, du khách có thể bao quát cảnh núi rừng hùng vĩ phía dưới. Ảnh: Khánh Trần.
Đỉnh Pha Luông nằm cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30 km về hướng di chuyển đến cửa khẩu Lóng Sập, thuộc xã Tân Xuân, huyện Chiềng Xuân, tỉnh Sơn La. Người dân địa phương hay gọi là đỉnh Pha Luông là Bờ Lung, theo tiếng Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất. Pha Luông có khí hậu đặc trưng của miền Bắc, chia làm 4 mùa rõ rệt. Mỗi mùa, Pha Luông lại có vẻ đẹp khác nhau, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Đỉnh Pha Luông khá rộng lớn, mang vẻ đẹp hùng vĩ khi ẩn khuất trong mây. Ảnh: Hoàng Quyên.
Chúng tôi theo chân nhóm chạy Mộc Châu Runners’s Club (MRC) trong hành trình chinh phục đỉnh Pha Luông. Theo kinh nghiệm của dân phượt và nhóm chạy việt dã ở đây, tháng 3 là thời điểm dễ dàng “săn mây” và có thể ngắm rừng hoa đỗ quyên nở rộ trên đỉnh núi. Theo trưởng nhóm MRC Trần Xuân Khánh, để chinh phục ngọn núi này, thủ tục cần thiết là phải xin phép tại đồn biên phòng Chiềng Sơn. Núi Pha Luông giáp với biên giới Việt - Lào, nên người dân và du khách cần xuất trình thẻ căn cước công dân để được phép leo núi. Với những du khách đi theo đoàn, công ty lữ hành hoặc hướng dẫn viên sẽ làm thủ tục này trước.
Đỉnh Pha Luông đang là điểm leo núi thu hút nhiều du khách trải nghiệm. Ảnh: Khánh Trần.
Để có thể “săn mây”, đón bình minh vào thời điểm 7h sáng, du khách phải bắt đầu hành trình leo núi từ trước 5h sáng với điểm xuất phát từ đồn biên phòng Chiềng Sơn. Nếu xuất phát từ thị trấn Mộc Châu thì đi từ 3h sáng. Du khách di chuyển bằng phương tiện riêng đến điểm trông giữ xe, sau đó có chạy bộ khoảng 2,5km đến đồn biên phòng Chiềng Sơn, hoặc thuê xe ôm do người dân bản địa chở lên.
Đoạn đường chinh phục đỉnh Pha Luông khoảng gần 10 km và mất khoảng 4 - 5 tiếng là bạn sẽ tới đỉnh. Với địa hình núi, dốc, du khách sẽ mất nhiều sức để leo. Trên đường đi, có nhiều lán nghỉ do đồng bào Mông dựng lên, du khách có thể dừng ở đây để nghỉ tiếp sức. Khi lên đến đỉnh, vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp sẽ khiến bạn quên đi hết mỏi mệt.
Cuối tháng 3, hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên đỉnh Pha Luông. Ảnh: Hoàng Quyên.
Lên đỉnh Pha Luông thời điểm này, “đặc sản” hoa đỗ quyên rừng sẽ khiến nhiều du khách ngỡ ngàng. Năm nay, do ảnh hưởng của đợt cháy rừng trước đó, rừng đỗ quyên bị mất nhiều. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể tìm kiếm những vạt đỗ quyên nở rộ ở vách núi. Năm nay, hoa đỗ quyên nở muộn nên đến tháng 4, Pha Luông vẫn còn hoa nở.
Leo núi có trách nhiệm
Nhiều năm nay, Pha Luông trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn dành cho loại hình du lịch leo núi, mạo hiểm. Cuối tuần, rất nhiều tốp khách du lịch tìm đến Pha Luông để trải nghiệm. Theo Giàng A Su, một người dân bản địa làm dịch vụ vác đồ cho khách du lịch, vào mùa cao điểm tháng 3, rất nhiều đoàn khách thuê anh làm người dẫn đường và vác đồ lên núi. Mỗi tuần, Giàng A Su phục vụ khoảng 3 đoàn khách. “Không chỉ khách du lịch, người Mông ở các bản coi Pha Luông là điểm hẹn cuối tuần, thường xuyên lên núi để vui chơi, cắm trại”, Giàng A Su cho biết.
Tháng 3 là thời điểm Pha Luông thu hút rất nhiều du khách và người dân leo núi. Ảnh: Hoàng Quyên.
Một trong những vấn đề của các tour du lịch leo núi, đó là du khách mang nhiều đồ ăn, thức uống lên núi nhưng ít dọn sạch. Tình trạng túi ni lông, rác thải khó phân hủy ở trên đỉnh Pha Luông khá phổ biến. Anh Trần Xuân Khánh cho biết, nhóm chạy MRC mỗi lần leo núi đều huy động các thành viên nhặt rác và túi ni lông để làm sạch đỉnh núi. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến leo núi, trekking ở Pha Luông và nhiều điểm khác của Mộc Châu cùng với hoạt động làm sạch môi trường, để tuyên truyền cho người dân và du khách có trách nhiệm, không vứt rác và bẻ hoa”, Trần Xuân Khánh chia sẻ.
Tại Mộc Châu, các bản Mu Náu, Hang Táu, Tà Số đang trở thành “đặc sản” hấp dẫn du khách leo núi tại Pha Luông, đặc biệt là giới trẻ.
Câu lạc bộ chạy Mộc Châu (MRC) tổ chức thu dọn rác trên đỉnh Pha Luông và nhiều điểm du lịch khác. Ảnh: Hoàng Quyên.
Theo kinh nghiệm của những người làm tour, dẫn đoàn leo núi, đây là sản phẩm du lịch đặc trưng, không dành cho số đông. Vì thế, để có thể trải nghiệm leo núi an toàn, du khách cần chuẩn bị tinh thần cùng với sức khỏe tốt và hành lý gọn nhẹ, với các vật dụng bảo đảm điều kiện leo núi. Với du khách phương xa không thông thạo địa hình, nên thuê một người dân bản địa để khuân đồ và làm người dẫn đường.
(Nguồn: Điện Biên Phủ Online).